Cứu không kịp cháu bé bị đất đá vùi
Sáng 15.12, TP.Quy Nhơn (Bình Định) có mưa to, khiến nhiều tuyến đường trong nội thành bị ngập sâu. Đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ ngã năm Đống Đa đến cầu Đôi (thuộc P.Đống Đa) ngập sâu từ 0,3 - 0,5 m. Đến tối cùng ngày, một số tuyến đường ở TP.Quy Nhơn vẫn còn ngập.
Gần trưa 15.12, đường Trần Hưng Đạo (TP.Quy Nhơn) bất ngờ sụt lún, tạo thành một hố sâu, làm hỏng nền móng hai căn nhà số 612 và 612A, uy hiếp hàng chục ngôi nhà xung quanh và đường ống cấp nước sạch cho TP.Quy Nhơn. Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Định đã cử lực lượng cứu hộ đến hiện trường phối hợp với Công ty CP môi trường đô thị Quy Nhơn khắc phục sự cố. Đến chiều tối cùng ngày, hố sâu này vẫn chưa được lấp.
Chiều cùng ngày, đất, đá trên núi Bà Hỏa bất ngờ đổ sập xuống nhà ông Nguyễn Minh Vũ (ở KV.1, P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) làm sập nửa sau căn nhà, khiến cháu Nguyễn Tuấn Khang (11 tuổi, con ông Vũ) đang ở trong nhà vệ sinh sát triền núi bị vùi lấp. Gia đình và người dân dọn đất đá để đưa cháu Khang ra ngoài nhưng bất thành do nước mưa cùng đất đá trên núi liên tục đổ xuống. Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Định điều lực lượng đến hiện trường để giải cứu. Lực lượng chức năng phải dùng máy cắt bê tông để cắt tường, dùng các thiết bị chuyên dụng chặn đất, đá trên núi để đưa nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, khi được đưa ra ngoài thì cháu Khang đã chết. Tại H.Hoài Nhơn, có thêm trường hợp ông Lê Văn Còn (46 tuổi, ở xã Hoài Châu) bị đuối nước, chết trong lũ.
Trong ngày, QL1A qua địa bàn tỉnh Bình Định bị ngập nhiều đoạn, lực lượng CSGT phải tổ chức tuần tra, chốt chặn tại nhiều điểm để hướng dẫn giao thông. “P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn bị ngập sâu hơn 1 m, chúng tôi phải phối hợp với CSGT Công an tỉnh Phú Yên để phân luồng giao thông, cho các xe lưu thông qua QL1D để bảo đảm an toàn”, trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, nói.
Sáng 15.12, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với lũ lụt; yêu cầu chính quyền các địa phương xuất khẩn cấp nguồn kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc phòng bệnh và các nhu yếu phẩm để cứu trợ nhân dân vùng ngập lụt, vùng bị nước lũ cô lập...
Tại Quảng Ngãi, từ đêm 14 đến sáng 15.12 mưa như trút nước cộng với nước lũ từ thượng nguồn ào ạt đổ về, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đều dâng cao. Các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi ngập lụt diễn ra trên diện rộng, người dân lại gồng mình chống lũ. Riêng tại địa bàn TP.Quảng Ngãi, sáng 15.12, nhiều tuyến phố ngập sâu từ 0,5 - 0,8 m nên việc lưu thông rất khó khăn, hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân bị ngưng trệ, nhiều trường học ở trung tâm thành phố cho học sinh nghỉ học.
Nước lũ cũng gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông như liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ, Nghĩa Hành - Minh Long... Chiều 15.12, nước tràn qua cầu Sông Rin khiến tuyến giao thông liên huyện Sơn Hà - Sơn Tây bị ách tắc hoàn toàn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết trên địa bàn tỉnh có thêm 1 trường hợp thiệt mạng do mưa lũ. Nạn nhân là ông Nguyễn Giằng (57 tuổi, ở xã Phổ Minh, H.Đức Phổ) khi đi trên đường thì bị gió mạnh đẩy rơi xuống kênh tử vong.
Đường sạt lở nhiều nơi
Hôm qua 15.12, tại Thừa Thiên-Huế mưa lớn diễn ra trên diện rộng, thủy điện Hương Điền tiếp tục xả lũ. Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, đến cuối ngày hôm qua đã có 1.420 ngôi nhà bị ngập; hàng chục tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền… bị chia cắt do lũ; tại TP.Huế, nước lũ trên sông Hương, An Cựu, sông Ngự Hà… đã tràn bờ gây chia cắt giao thông. Hàng chục tuyến đường nội, ngoại thành đều bị ngập cục bộ. Đến tối 15.12, mực nước trên sông Hương và sông Bồ đều vượt báo động 2, xấp xỉ báo động 3.
Tại Quảng Nam, mưa đặc biệt lớn, sạt lở nghiêm trọng ở miền núi. Trưa 15.12, thi thể ông Châu Thịnh (48 tuổi, thôn Tịch Yên, xã Bình Nam, H.Thăng Bình) đã được tìm thấy cách bờ ruộng khoảng 20 m. Ông Thịnh đi bắt ốc chiều 14.12 ở cánh đồng gần nhà, không may bị lũ cuốn. Hôm qua, lũ lên nhanh ở nhiều vùng hạ du Quảng Nam như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc, Nông Sơn… Sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó tuyến QL40B hỏng nặng nhất, đất đá làm sạt 60 m tường chắn taluy dương (tại Km 133) và tắc đường do nước vượt các ngầm ở Sông Trường, Nước Oa… Các tuyến tỉnh lộ (ĐT606, đoạn qua Tây Giang), ĐT611 cũng sạt lở lớn.
Theo Sở GTVT Phú Yên, QL1 qua tỉnh này có nhiều nơi bị sạt lở, nghiêm trọng nhất là tại dốc Vườn Xoài, KP.Bình Thạnh, P.Xuân Đài, TX.Sông Cầu. Sạt lở đã ăn sâu vào nền đường hơn 8 m và tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực trạng này đã làm biến dạng mặt đường, sập 1 nhà dân và đe dọa 4 căn nhà khác. Các quốc lộ: 25, 29, 19C qua Phú Yên cũng có hàng chục đoạn bị sạt lở.
Bình định kêu gọi giúp đỡ
Chiều 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có thư kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân tỉnh này bị thiệt hại do mưa lũ. Từ đầu tháng 11 đến nay, tỉnh Bình Định xảy ra 4 đợt mưa lũ lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản: 18 người chết, hàng chục người bị thương và thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.000 tỉ đồng.
Hoàng Trọng
|
Bình luận (0)