Cho rằng bị tài xế xe buýt kèn cựa, một chủ xe ô tô ở Hà Nội đã vượt lên, chắn đầu buộc tài xế xe buýt xuống hỏi chuyện.
Chỉ “nói chuyện” không thôi, thì hành vi chặn đầu xe khác cũng đã là không được (vì không tuân thủ luật giao thông), đằng này tài xế ô tô còn bóp cổ, kề dao phụ xe buýt. Có một từ thể hiện rất rõ nội hàm của hành vi này, đó là “côn đồ”. Trong khi, bài học vỡ lòng của người lái ô tô là nguyên tắc “nhường”, ra hiệu, chỉ được phép vượt xe khác khi quan sát nhiều phía và nhận thấy đủ điều kiện an toàn.
Một cụm từ khác cũng được dùng phổ biến trong cư dân đô thị: “văn hóa giao thông”. Nhưng không khó để nhận thấy, “văn hóa giao thông” vẫn còn là một giá trị mà từ kỳ vọng, đến thực tiễn cần thời gian để phổ quát.
Ở những đô thị, “chiếc áo” hạ tầng đã quá chật như: Hà Nội, TP.HCM... sự gia tăng dân số, cùng với lượng phương tiện giao thông cá nhân đi lên theo biểu đồ thẳng đứng “chóng mặt” khiến tỷ lệ mặt đường dành cho các phương tiện còn hẹp hơn rất nhiều. Đề ra yêu cầu cải thiện tỷ lệ mặt đường cho các phương tiện giao thông ở các đô thị lớn là hợp lý. Nhưng đòi hỏi phải có được trong 1 - 2 năm, thậm chí một nhiệm kỳ, không khác gì đặt cho chính quyền các đô thị lớn một nhiệm vụ “bất khả thi”. Nên hãy cứ phải chấp nhận hiện thực để điều chỉnh hành vi trong hoàn cảnh “đất chật, người đông”.
Thêm một bài học vỡ lòng khác, truyện Dê đen và dê trắng cùng đi qua một chiếc cầu, vì không nhường nhau, cả hai rơi xuống sông... Ứng với điều gì? Vượt ẩu, luồn lách, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán... giành đường, để cùng lắm nhanh hơn vài giây, không phải cách - nhất là cách ấy đã khiến nhiều kẻ thương vong, dẫn thẳng đường vào... nhà tù.
Bình luận (0)