Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 ở TP.HCM, hiện VN có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV.
Đến tháng 9.2023, 100% tỉnh, thành; 701/705 quận, huyện có người nhiễm HIV và trên 96% xã, phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam bộ (38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,87%).
9 tháng năm nay, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 16 - 29 (chiếm 47,3%) và 30 - 39 (chiếm 28,2%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,4% năm 2023. Đường tình dục trở thành đường lây chính khi tỷ lệ người nhiễm HIV qua quan hệ không an toàn từ 47,5% năm 2010 tăng lên 84,4% năm 2022 và 75,1% vào năm 2023.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (trong giám sát trọng điểm HIV) tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022.
Nhóm người chuyển giới thành nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022. Tại TP.HCM, tỷ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1.12, tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay tập trung vào chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", với thông điệp phòng chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo. Dịch HIV cũng đã có những thay đổi đáng kể. Trong đó, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị đều đã thay đổi. Chủ đề này cũng khẳng định lại quyết tâm của VN sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
VN đã cam kết thực hiện K=K - "không phát hiện = không lây truyền". Nếu người sống chung với HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không có nguy cơ lây truyền vi rút HIV sang bạn qua đường tình dục. Thuốc ARV có thể làm giảm tải lượng vi rút của người nhiễm xuống thấp đến mức không thể đếm được khi xét nghiệm.
VN đang thực hiện các mô hình kết nối điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV, giúp họ đạt ức chế vi rút và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành y tế VN cũng cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh HIV qua bảo hiểm y tế bao gồm xét nghiệm, cấp thuốc điều trị HIV và điều trị các nhiễm trùng cơ hội nặng ở người nhiễm HIV, giúp họ sớm phục hồi miễn dịch và giảm tỷ lệ tử vong do AIDS.
Bình luận (0)