Đường vành đai 3 chờ cơ chế

07/11/2018 06:16 GMT+7

Chi phí giải phóng mặt bằng lớn, thời gian thực hiện kéo dài, TP.HCM kiến nghị được thí điểm cơ chế đặc thù, kêu gọi xã hội hóa để nhanh chóng thực hiện dự án đường vành đai 3.

Cơ chế đặc thù để thúc tiến độ dự án
UBND TP.HCM vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho triển khai dự án tuyến đường vành đai 3 đoạn qua TP. Theo đó, nếu được Chính phủ cho triển khai, UBND TP.HCM sẽ đề nghị HĐND TP thông qua việc tạm ứng ngân sách của TP để tiến hành ngay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục và phương thức đầu tư dự án.
Kẹt xe nghiêm trọng khu vực cửa ngõ vào TP.HCM Ảnh: Phạm Hữu
Kẹt xe nghiêm trọng khu vực cửa ngõ vào TP.HCM Ảnh: Phạm Hữu

Trước đó, trong cuộc họp với UBND TP góp ý về phương án đầu tư xây dựng dự án, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cảng TP.HCM thống nhất cùng Sở GTVT TP chỉ ra rằng theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28.9.2011, hiện nay tiến độ triển khai các đoạn thuộc đường vành đai 3 đều bị chậm. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).
Hiện nay, quỹ đất hai bên dự án này còn nhiều và giá trị còn thấp. Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao nên các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi. Đây là cơ sở để TP kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án, chỉ dựa vào ngân sách thì không thể làm nổi
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cảng TP.HCM

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá vành đai 3 là tuyến đường có tính chất liên vùng, có tổng mức đầu tư cũng như chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư là hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ là do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội. “Hiện nay, quỹ đất hai bên dự án này còn nhiều và giá trị còn thấp. Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao nên các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi. Đây là cơ sở để TP kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án, chỉ dựa vào ngân sách thì không thể làm nổi”, ông đề xuất.
Cũng trong tờ trình gửi Bộ GTVT mới đây, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) đã kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư, trong đó nhà nước hỗ trợ phần vốn khoảng 9.934 tỉ đồng - tương đương khoảng 50% tổng mức đầu tư; phần còn lại kêu gọi xã hội hóa. Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, cho biết đây là dự án lớn, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa toàn bộ đều không khả thi. Khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là chờ Chính phủ “gật đầu” duyệt cơ chế đầu tư, trong đó có quyết định cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù để ứng trước vốn giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Phải là ưu tiên hàng đầu
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành, đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Tuy nhiên đến nay, TP mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 km đường vành đai (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 hơn 16 km), đường vành đai 4 còn đang trong quá trình chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng. Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, thực trạng các tuyến đường vành đai quá ít so với nhu cầu giao thông thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội không chỉ của TP mà của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Trong tờ trình gửi Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng khép kín đường vành đai 3 rất quan trọng và cấp thiết. Không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, đường vành đai 3 còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm; đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhận định hệ thống đường vành đai phải là ưu tiên hàng đầu trong số các dự án giao thông mà TP.HCM cần triển khai trong thời gian tới. Việc thiếu trầm trọng giao thông kết nối với các tỉnh dẫn đến tình trạng các tuyến đường độc đạo như xa lộ Hà Nội, các đường liên tỉnh như tỉnh lộ 25, quốc lộ 22... thường xuyên tắc nghẽn.
Đường vành đai 3 kết nối TP.HCM với nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... sẽ giải quyết rất lớn việc vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. Chưa kể sau này, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường vành đai sẽ hình thành thêm một hướng kết nối, các phương tiện không cần đi vào đường nội đô để lên cao tốc, giúp giảm lượng lớn phương tiện cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm thành phố đến sân bay. Bên cạnh đó, tuyến vành đai 3 hình thành sẽ kích thích phát triển đô thị hóa dọc tuyến, góp phần giãn dân, giảm áp lực giao thông cho TP.
Đồng tình, ông Hà Ngọc Trường cho biết thêm: Tiến độ đường vành đai 3 đóng vai trò rất lớn đối với các dự án giao thông trọng điểm của khu vực đã có trong quy hoạch. Cụ thể, hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ cao hơn khi có sự kết nối giao thông từ đường vành đai 3. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang trong quá trình nghiên cứu khả thi, điểm đầu chính là đường vành đai 3. Nếu không triển khai đồng bộ sẽ tạo ra bất cập trong việc kết nối hạ tầng, không phát huy được hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc này. “TP đã sẵn sàng, đường vành đai 3 chỉ còn chờ Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ. Cần đánh giá đúng về sự cấp bách của dự án để phân bổ mức độ ưu tiên cho TP.HCM”, ông nói. 
“Tấm gương” tuyến metro số 1
TS Huỳnh Thế Du nhận xét: “Không chỉ đường vành đai 3, tuyến metro số 1 - dự án mang tính sống còn của TP cũng là một ví dụ điển hình. Vốn đã có nhưng dùng dằng mãi, đẩy qua đẩy lại vẫn chưa cơ quan nào đứng ra quán xuyến, giải quyết. Mắc kẹt vẫn là TP.HCM. Vấn đề chỉ được giải quyết tận gốc khi sửa được động cơ, cách thức làm việc của cán bộ nhà nước, dựa vào niềm tin và sự quyết đoán giữa trung ương và địa phương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.