(TNO) Gần 2 giờ đồng hồ chia sẻ cùng bạn đọc báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, Ủy viên HĐQT VPF đã bày tỏ thẳng thắn những quan điểm của mình về bức tranh sáng tối của nền bóng đá nước nhà. Ông tin rằng: “Với những con người tâm huyết ở VPF, làm bóng đá vì danh dự, vì màu cờ sắc áo thì chắc chắn bóng đá VN sẽ phát triển”.
Làm bóng đá: "Cần những người tâm huyết"
Trả lời bạn Thảo Ly (Hà Nội) với câu hỏi: "Trong quá khứ, có vẻ ông không có mấy thiện cảm với tân TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn. Báo Thanh Niên có rất nhiều bài "đánh" dữ dội ông Viễn trong quá khứ (thời ông còn làm Tổng biên tập). Vậy nay với cương vị thành viên độc lập của HĐQT VPF, ông có dám chắc mình sẽ duy trì được sự công tâm cao nhất hay không? Ở đây tôi muốn nói là không để các vấn đề cá nhân xen lẫn vào các quyết định của mình", nhà báo Nguyễn Công Khế nhấn mạnh: “Cơ chế mới của VPF là một hình thái mới và với những con người nhiệt huyết đó thì tôi tin sẽ thành công. Ở nước ngoài những người có tiền mới vào làm bóng đá. Khi đó, họ làm vì bóng đá, vì danh dự, vì màu cờ sắc áo và không vì tiền. Có được điều đó thì đã có đến 60% thành công”.
Giải đáp thắc mắc của độc giả Thái Minh Trung về thất bại của đội tuyển U.23 VN trong khi với chính những con người đó, chúng ta từng đánh bại Malaysia tại giải U.21 quốc tế báo Thanh Niên, ông Khế cho rằng lỗi thuộc về cả cầu thủ lẫn những người lớn làm bóng đá.
“Tôi nghĩ trong này có vấn đề lãnh đạo, coi nặng thành tích và tiền thưởng. Theo tôi, thành tích là kết quả cuối cùng, còn việc đào tạo về ý thức danh dự là vấn đề hàng đầu. Tại sao đá giải trẻ lại được, còn lên quốc gia lại đá tệ? Cái đó có lỗi của người lớn. người nói mức tiền thưởng vừa rồi chúng ta nâng quá cao vừa có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hại. Ở giải U.21, nhiều đội than phiền thưởng ít thì tôi đã từng nói: tiền trao không phải nhiều là tốt mà phải trao sao cho các em trẻ được hài lòng và giáo dục các em”.
Ông Khế cũng dẫn chứng, trong bộ máy VPF tới đây, các thành viên HĐQT đều tuyên bố không nhận lương, không nhận chế độ, mà bỏ tiền túi để làm. Điều đó theo ông sẽ đem lại ý nghĩa sâu sắc và có tính giáo dục cao đối với cầu thủ. “Những người lớn không nhận tiền mà bỏ tiền túi của mình để cống hiến cho bóng đá; tiền của bộ máy để dành cho bóng đá, để dành cho đầu tư cho các cầu thủ trẻ cọ xát. Đó là điều để các cầu thủ trẻ yên tâm, không dao động”, ông Khế kết luận.
|
Vấn đề đạo đức và giáo dục cầu thủ cũng được nhà báo Nguyễn Công Khế rất quan tâm và tâm huyết. Ông cho rằng: khi muốn làm sạch nền bóng đá, thì phải có cái tâm, sự nhiệt huyết thì mới có thể làm sạch các giải bóng đá. Dùng tiền phải có mục đích và sử dụng hợp lý, có thể thưởng nhiều tiền nhưng khi một cầu thủ vi phạm thì phải phạt thật nặng để có tính chất răn đe.
“Khi đá bóng các cầu thủ nên hướng đến vì màu cờ sắc áo, chứ đừng nghĩ đến tiền thưởng. Các CLB cũng nên quan tâm đến chất lượng đào tạo cầu thủ, không nên tìm kiếm cầu thủ theo xu hướng chuyển nhượng giá cao, sẽ làm cho các một số cầu thủ dẫu chưa trở thành ngôi sao nhưng không lo chăm chỉ luyện tập chuyên môn mà chỉ lo tiền chuyển nhượng của mình là bao nhiêu”, ông Khế đặt vấn đề.
Cơ chế mới của VPF là một hình thái mới và với những con người nhiệt huyết đó thì tôi tin sẽ thành công. Ở nước ngoài những người có tiền mới vào làm bóng đá. Khi đó, họ làm vì bóng đá, vì danh dự, vì màu cờ sắc áo và không vì tiền. Có được điều đó thì đã có đến 60% thành công |
||
Nhà báo Nguyễn Công Khế | ||
Từ chức và không có lợi ích cục bộ
Ủng hộ văn hóa từ chức như vấn đề của bạn Thanh Trung (Hà Nội) nêu ra, nhà báo Nguyễn Công Khế cho rằng: “Tôi nghĩ bất cứ ai nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải từ chức, nhất là trong lĩnh vực bóng đá”.
Ông cũng thừa nhận rằng: “Lần này tôi nhập cuộc tham gia vào VPF thực sự là một thử thách rất lớn với tôi, bởi nếu tôi không góp ích gì được cho nền bóng đá thì đó sẽ là thất bại của chính tôi. Dù được giao công việc gì, thì tôi cũng sẽ cố gắng hết sức hoàn thành công việc đó, để tạo sức bật mới cho bóng đá chuyên nghiệp”.
Trả lời vấn đề giải quyết nạn bán độ khi thi đấu của bạn Lê Trung Tiến (Quảng Nam), nhà báo Nguyễn Công Khế tuyên bố: “Tiêu cực trong bóng đá hay tham nhũng trong xã hội, trong hệ thống chính quyền đều là không phải dễ chống. Nhưng như tôi đã nói, những nhà lãnh đạo bóng đá trong sạch, toàn tâm toàn ý, vô tư thì dứt khoát là chúng ta chống được. Và dứt khoát là chúng ta phải chống được tiêu cực trong bóng đá”.
|
Để giải quyết vấn đề liên minh tay ba, tay tư, ông Khế cho rằng, giờ đây các ông chủ CLB đã cùng ngồi vào bàn chung ở VPF. “Nếu anh làm gì không trong sáng thì cả tập thể sẽ biết. Tôi nghĩ tập thể này sẽ làm cho những lợi ích cục bộ này phải nhường chỗ cho lợi ích chung, to lớn”, ông Khế kết luận.
Nhà báo Nguyễn Công Khế tin rằng, với môi trường: có sự đào tạo tốt, có sự quyết tâm và ý chí cao, luôn đề cao sự trung thực và tính gương mẫu từ cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên, lãnh đội đến những người lãnh đạo cao của nền bóng đá và thể thao VN, tuyển VN vào vòng chung kết World Cup cũng không phải là chuyện không chạm tới được...
Thành Trung
(tổng hợp)
Bình luận (0)