'Đút túi' tiền triệu mỗi ngày từ nghề nổ bỏng gạo

03/04/2021 16:06 GMT+7

Chỉ với một chiếc máy nổ bỏng gạo để bán, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bộ (ở Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), có thu nhập "khủng" với 1 - 1,5 triệu đồng mỗi ngày.

Chiếc máy “nổ ra tiền”
Nổ bỏng hơn chục năm nay ở đường Trung Văn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Bộ (quê ở Hưng Yên) cho biết, mỗi ngày vợ chồng ông bán hàng từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ngoài khách quen, khách qua đường thì người bán buôn đến mua rất nhiều, bỏng nhà ông gần như được tiêu thụ khắp thủ đô.
Không hàng quán, không bàn ghế, không máy móc phức tạp, đồ nghề của vợ chồng ông Bộ chỉ là một chiếc máy nổ bỏng, 2 chiếc chậu, cái kéo, đôi găng tay và chiếc bạt che mưa nắng. Ấy vậy mà hai vợ chồng ông không lúc nào ngơi tay. Khi máy đã cất tiếng nổ, ông Bộ phụ trách công việc cắt bỏng và điều chỉnh máy sao cho bỏng ra đều, bà Nguyễn Thị Oanh (vợ ông Bộ) thoăn thoắt đóng gói bỏng vào từng túi nhỏ.

Vợ chồng ông Bộ làm nghề nổ bỏng gạo ở khu vực đường Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Ông Bộ cho biết: “Mỗi ngày tôi nổ 50 kg gạo thường, 30 kg gạo lứt. Tính ra được khoảng từ 200 - 300 túi 300 gram. Bỏng thường có giá 10.000 đồng/túi, còn bỏng gạo lứt là 20.000 đồng/túi nên một ngày tôi thu về 4 triệu đồng, trừ chi phí bỏ ra cũng kiếm được từ 1 - 1,5 triệu đồng tiền lãi.”
Bà Oanh chia sẻ thêm: “Chúng tôi vừa làm, vừa bán nên khách đi đường thấy mình hàng thật, việc thật nên họ rẽ vào mua”.

Hàng bán bỏng của bà Oanh được nhiều khách ghé vào mua

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Nhiều “khách ruột”
Ông Bộ chia sẻ, nghề này không vất vả, chỉ có khó khăn ban đầu khi “vào nghề” do chưa có kinh nghiệm nên bỏng chưa được ngon, khi nổ bỏng không thành hình. “Tôi phải tự tìm tòi để tạo ra công thức trộn các nguyên liệu sao cho bỏng có vị ngon nhất. Khi bỏng ngon rồi là cứ thấy tiếng máy nổ bỏng của mình là người ta tìm tới và trở thành khách quen”, ông Bộ kể.
Bỏng nhà ông Bộ có hai loại, bỏng thường với nguyên liệu là gạo trắng, mì tôm, vừng, lạc. Bỏng gạo lứt đặc biệt và đậm vị hơn với nguyên liệu là gạo lứt, vừng, lạc, đậu xanh, mì tôm. Cả hai loại bỏng đều được cho thêm gạo nếp, khi ăn sẽ cảm nhận được vị thơm từ bỏng.

Bỏng gạo lứt được nhiều khách hàng yêu thích

Ảnh Đỗ Hồng Thương

"Các nguyên liệu được trộn lẫn lại với nhau trước khi cho vào máy. Nhờ sức nóng của động cơ, gạo và các thành phần sẽ được nghiền nhỏ, kết dính lại với nhau, đi theo một đường ống dài trong máy và tạo hình khối rỗng. Khi mới ra lò, bỏng gậy thường mềm, nóng, nhưng để tầm 2 - 3 phút sau sẽ trở nên giòn, cứng", ông Bộ mô tả.
Ông Bộ cũng cho biết, nhà ông sử dụng đường hoa mai để nổ bỏng nên bảo quản có thể để được nửa tháng. Nếu nổ bằng đường hóa học, bỏng sẽ nhanh bị chua, khi ăn sẽ cảm nhận vị đắng ở cuống họng.

Món quà tuổi thơ hấp dẫn với nhiều người ở thủ đô

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Chị Hoàng Thanh Mai (40 tuổi, ở khu đô thị Văn Khê, Q.Hà Đông, Hà Nội), “khách ruột” của hàng bỏng nhà ông Bộ, chia sẻ: “Mình ăn bỏng nhà chú lâu rồi. Bỏng rất ngon, rất thơm, không có chất bảo quản lại lành tính, dễ ăn. Cô chú cũng rất nhiệt tình nên mình hay ghé vào đây mua về cho các bé ở nhà”.

Chị Hoàng Thị Hà thường xuyên đến nổ bỏng nhà ông Bộ

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Không chỉ mua bỏng nổ sẵn, người ăn bỏng còn có thể tự “sáng tạo” ra vị bỏng mình yêu thích. Chị Hoàng Thị Hà (32 tuổi ở The Light, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) tự chuẩn bị nguyên liệu đến để nổ bỏng mang về.
Chị cho biết: “Mình làm bỏng để ăn kiêng nên nguyên liệu mình có gạo lứt, bánh quy, mì tôm, một chút dừa. Mình thấy cô chú nổ ở đây lâu rồi, quy trình làm cũng rất vệ sinh nên mình mang đến đây nhờ cô chú nổ”.

Với nghề nổ bỏng vợ chồng ông Bộ có thu nhập "khủng" mỗi năm

Ảnh Đỗ Hồng Thương

Vậy là từ một nghề tưởng như rất bình thường nhưng đã cho gia đình ông Bộ nguồn thu nhập "khủng" mà ít ai ngờ. Tính trung bình, mỗi tháng vợ chồng ông có thu nhập tới vài chục triệu đồng.
Lãi 30 - 45 triệu/tháng
Công thức tính tiền lãi "khủng" theo cho biết của ông Bộ như sau: mỗi ngày bán 200 gói bỏng gạo thường: 200 x 10.000 = 2.000.000 đồng; 100 gói bỏng gạo lứt: 100 x 20.000 = 2.000.000. Tổng số 4 triệu đồng/ngày.
Chi phí: giá gạo lứt là 30.000/kg x 30 kg = 900.000 đồng; gạo tẻ là 17.000/kg x 50 kg = 850.000 đồng, tổng 1.750.000 đồng; thêm tiền mì tôm, vừng, lạc, đường, đỗ xanh, xăng dầu để chạy máy nổ bỏng và cả tiền chi phí tiêu hao máy móc (tiền vốn mua máy 25 triệu đồng) thì có lãi 1 - 1,5 triệu đồng/ngày (tương đương 30 - 45 triệu đồng/tháng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.