Duyên nợ với dầu tràm

24/03/2015 10:52 GMT+7

Là cử nhân sử học, từng công tác ở vài cơ quan khác nhau từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhưng rồi cơ duyên đã đưa Nguyễn Hoàng Lịch trở thành người gắn bó, phát triển thương hiệu dầu tràm xứ Huế thành sản phẩm hữu ích với người dân và du khách gần xa.

Là cử nhân sử học, từng công tác ở vài cơ quan khác nhau từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhưng rồi cơ duyên đã đưa Nguyễn Hoàng Lịch trở thành người gắn bó, phát triển thương hiệu dầu tràm xứ Huế thành sản phẩm hữu ích với người dân và du khách gần xa.

   Nguyễn Hoàng Lịch và sản phẩm dầu tràm Tiên Ông
Kế hoạch “điên rồ”
Nói về cái duyên với nghề điều chế và sản xuất tinh dầu tràm truyền thống, Nguyễn Hoàng Lịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh dầu Hoàng Lịch, chủ nhân của thương hiệu dầu tràm, cao tràm Tiên Ông tâm sự: “Mê kinh doanh từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, sau 4 năm học tập tại Huế, năm 2006 tôi ra Hà Nội làm việc ở Ban thông tin của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và học tiếp. Thời gian này cứ mỗi lần về quê (Quảng Trị), bạn bè ở Hà Nội thường hay gửi mua loại dầu tràm có mùi hương thơm nhẹ, màu sánh vàng mà người dân miền Trung thường dùng cho trẻ em, sản phụ và người cao tuổi... Lân la tìm kiếm, tôi mới biết được rằng dầu này ở Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế người ta nấu khá nhiều. Tìm về Phú Lộc tôi lại phát hiện ra người dân ở đây nấu dầu đã bao đời đến nay. Dầu tốt nhưng hầu như không thương hiệu, nhãn mác, bao bì theo quy cách. Lúc này, một ý tưởng lóe sáng: Tại sao miền Trung có loại dầu đạt độ tinh hoa như thế nhưng chưa một ai đầu tư xây dựng thương hiệu, chế biến đúng quy trình khoa học để đưa ra thị trường rộng lớn?
Để giải bài toán trên, Nguyễn Hoàng Lịch bỏ phố, bỏ việc về Phú Lộc, một vùng quê nghèo cát trắng phía bắc đèo Hải Vân, quyết tâm xây dựng thương hiệu dầu tràm mới. Anh gom góp vay mượn được gần 200 triệu đồng rồi bắt đầu kế hoạch khá “điên rồ” của mình. Từ việc tìm hiểu vùng đất, nguyên liệu, quy trình chế biến rồi cao hơn nữa là những bí quyết để điều chế dầu làm sao để ra thành phẩm tốt nhất là một quá trình không đơn giản, tưởng như có thể bỏ cuộc ngay khi bắt tay vào làm, bởi lẽ trước anh chưa có ai mở đường cả. Khi đã qua đoạn trường gian nan đó, anh lại lặn lội vào TPHCM nghiên cứu, đặt thiết kế nhãn hiệu, mẫu hộp, đặt làm khuôn chai, đúc thủy tinh... Khi các công đoạn xong xuôi, anh nghĩ đến chuyện đặt tên thương hiệu sản phẩm, làm sao để tên phải gần gũi, phù hợp với tâm lý người Á đông là cả một vấn đề. Cuối cùng, anh chọn tên dầu tràm Tiên Ông, nhằm khơi gợi yếu tố tâm linh ở các bà mẹ, người lớn tuổi luôn muốn ơn trên phù hộ lúc sinh nở cho được “mẹ tròn con vuông”, an lành, mạnh khỏe... cũng như thiết kế xây dựng website http://dautramtienong.com/ để dễ phổ biến.
Quá trình gầy dựng gian khó là vậy, nhưng đúng là đôi lúc nghiệp kinh doanh cũng giống như những gì ông cha ta từng nói “Bôn ba không qua thời vận”. Sau khi sản phẩm ra đời, mặc dù được đánh giá cao nhưng do tâm lý người dân trong vùng chưa quen với sự thay đổi mới mẻ này nên sản phẩm vấp phải sự e dè nhất định của thị trường. Sản phẩm chất lượng cao cùng với lòng nhiệt tình đã không cứu vãn Nguyễn Hoàng Lịch khỏi… nguy cơ phá sản!
Sau mỗi câu hỏi
Nguyễn Hoàng Lịch chia sẻ: “Trong cuộc sống cũng như thương trường, đôi lúc “trong cái khó lại ló cái khôn”. Không thành công ở nơi rốn dầu Phú Lộc, tôi chuyển vào Đà Nẵng kinh doanh, rồi thành lập Công ty TNHH MTV Tinh dầu Hoàng Lịch. Thế là, từ chỗ chỉ sản xuất và bán lẻ sản phẩm tại huyện Phú Lộc, giờ đây, tôi thay đổi định hướng để phân phối đến các gian hàng “Đặc sản miền Trung” nằm ở trung tâm của những thành phố du lịch nổi tiếng như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nha Trang... Đồng thời, mở rộng thị trường cả miền Bắc lẫn miền Nam. Sản phẩm làm ra tiêu thụ rất nhanh, địa bàn mở rộng, doanh số tăng đột biến. Đặc biệt, với những tháng cao điểm mùa du lịch ở miền Trung (từ tháng 4 đến tháng 8), sản phẩm làm ra không kịp để phân phối cho các đại lý... Mặc dù công việc làm ăn tiến triển ngoài mong đợi, bản thân là giám đốc nhưng Nguyễn Hoàng Lịch vẫn quần quật ngày đêm với anh em trong công ty, không có việc gì là không làm: khi thì phụ đóng chai, khi thì bưng bê bốc vác, khi thì lái xe vận chuyển hàng hóa đến cho khách hàng... Anh chia sẻ: “Vất vả là vậy nhưng bù lại là tôi có niềm vui vô bờ vì đứa con tinh thần của mình - sản phẩm dầu tràm Tiên Ông ra thị trường được mọi người đón nhận!”.
Sau dầu tràm Tiên Ông, giờ đây Nguyễn Hoàng Lịch và công ty của anh đang dồn sức để tung ra sản phẩm mới: Cao tràm Tiên Ông. Đây là một sản phẩm tiên phong về cây tràm nữa. Bởi trước đây nhân gian và người tiêu dùng thường chỉ biết và dùng dầu tràm ở dạng chất lỏng thì nay cô đặc tinh chất đó lại để trở thành dạng cao, vừa thuận tiện cho di chuyển vừa thuận cho người sử dụng. Nguyễn Hoàng Lịch cho biết, cuộc “cách mạng” về dầu tràm này bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Những năm qua, rất nhiều du khách đi đường hàng không mua dầu tràm Tiên Ông đều được bộ phận an ninh ở các sân bay khuyến cáo không được mang theo chất lỏng trong hành lý xách tay mà chỉ được để ở khoang ký gửi. Điều này đặt ra một câu hỏi cũng là hướng đi mới của Nguyễn Hoàng Lịch: Tại sao không biến dầu thành cao? Từ đó, với sự trợ giúp đắc lực của kỹ sư hóa học Ngô Thị Tuyến, sự cố vấn của PGS.TS Hoàng Văn Lựu (hiện công tác tại khoa Hóa Đại học Sư phạm Vinh, năm 1974, tốt nghiệp chuyên ngành về nghiên cứu tinh dầu tại khoa Hóa, Trường đại học Tổng hợp Sofia - Bungari và bảo vệ tiến sĩ tinh dầu tại Bungari), qua gần 2 năm, dầu tràm từ dạng chất lỏng đã chuyển được sang thể cao với tên gọi Cao tràm Tiên Ông.
Đối với chiến lược phát triển cho thương hiệu dầu tràm, cao tràm Tiên Ông nói riêng và các thương hiệu Việt nói chung, anh Lịch vẫn trăn trở: “Năm trước, một công ty tại Pháp đặt hàng chúng tôi 12 tấn tinh dầu tràm nguyên liệu/năm với hàm lượng cineol>65% để mang sang Pháp điều chế thành phẩm về dầu và các mặt hàng dược khác. Đây là một cơ hội kiếm tiền rất tốt, nhưng tôi rất băn khoăn. Vì sao chúng ta phải xuất thô nguyên liệu quý giá này với giá rẻ trong khi hoàn toàn tự mình có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt không hề thua kém nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn sản phẩm cùng loại của nước ngoài để phục vụ người dân trong nước đồng thời có thể xuất khẩu ra bên ngoài? Như thế, mình khỏi phải mất ngoại tệ vừa lại có những thương hiệu Việt có nhiều lợi thế để cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại của nước ngoài?
Kể từ khi “sự nghiệp dầu tràm” bắt đầu đến nay, hình như mỗi lần Nguyễn Hoàng Lịch đặt ra một câu hỏi thì sau đó luôn có một câu trả lời khá ngoạn mục. Liệu rằng, câu hỏi nêu trên sẽ đặt ra một điều gì đó đáng trông chờ, không chỉ là với thương hiệu dầu tràm, cao tràm Tiên Ông mà còn là với thương hiệu Việt?
  
Nguyễn Hoàng Lịch (bìa phải) được lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng trao quyết định để phát triển các sản phẩm dầu gió Linh Ứng, dầu nóng Tiên Sa và dầu tràm Tiên Ông
Không dừng lại ở thành công ban đầu, khi nhận thấy TP.Đà Nẵng rất phát triển về ngành du lịch nhưng sản phẩm lưu niệm du lịch còn thiếu để phục vụ du khách gần xa đến tham quan, Nguyễn Hoàng Lịch đã đề xuất với lãnh đạo thành phố cũng như các sở ban ngành để xây dựng hai thương hiệu mới cho TP.Đà Nẵng mang đậm bản sắc và dấu ấn địa danh của thành phố với tên gọi là dầu gió Linh Ứng (lấy tên chùa Linh Ứng) và dầu nóng Tiên Sa (cảng Tiên Sa) nhằm phục vụ du khách cũng như nhu cầu nội địa.
Ý tưởng đó ngay lập tức được UBND TP.Đà Nẵng nhiệt tình ủng hộ, thống nhất lựa chọn công ty của anh Lịch để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch cho TP.Đà Nẵng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.