Thiếu hàng "độc"
Lâu nay, dù chưa từng có cuộc đấu giá công khai nào, thị trường cổ vật đã nổi sóng. Dân chơi cổ vật vẫn trao đổi, mua bán, và vẫn ăn thua đủ. Vẫn có kẻ khóc (nếu mua phải đồ dỏm) và người cười (nếu trúng). Vì thế, sự ra đời của một thị trường đấu giá công khai là cần thiết, để đảm bảo lợi ích cho người có nhu cầu. Mặt khác, cũng để tránh tình trạng chảy máu cổ vật.
Tuy nhiên, có lẽ vì là phiên đấu giá đầu tiên nên cả nhà tổ chức lẫn người chơi đều chưa có kinh nghiệm. Theo thông báo, những cổ vật được đấu giá là những hiện vật được in trong catalogue. Nhưng đến chiều 19.1 và sáng 20.1, Ban tổ chức rao bán cả những hiện vật không hề có trong catalogue, do các cá nhân tự phát mang đến.
Theo ông Đặng Văn Bài (Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL), có rất nhiều hình thức để xã hội hóa, phát huy giá trị văn hóa, trong đó đấu giá là một hình thức quảng bá di sản. Trong quý I/2008, Cục Di sản sẽ hoàn thiện quy chế trao đổi, kế thừa, mua bán, đấu giá cổ vật. Theo đó, sẽ có những quy định cụ thể như chỉ đưa ra đấu giá những cổ vật đã được đăng ký. |
Số lượng cổ vật được rao bán không nhiều, chủ yếu là những chiếc ấm, đỉnh trầm, cặp bình vôi, bộ chóe, chum, lọ, đôn, bộ đồ bày. Theo đánh giá của dân sành đồ cổ thì không có vật nào thuộc loại độc đáo. Bởi lẽ, những bình, chum, lọ, ấm vốn dĩ là những vật thông thường trong các bộ sưu tập.
Giá sàn?
Phiên đấu giá chiều 19.1, một chiếc trống đồng do Hội Cổ vật Thanh Hóa mang đến, được cho là trống Hêgơ I, có sửa chữa đôi chút, được rao bán với giá khởi điểm 30 triệu đồng. Lập tức dưới hội trường có tiếng xì xào "nếu là trống thật thì phải 100 triệu đồng!". Thế là, có người mang cả đèn pin lên sân khấu để săm soi. Rốt cuộc, lại đi xuống và... ngồi im. Một chiếc ấm men lam, cao 20 cm, được cho là có niên đại thế kỷ XIX, giá khởi điểm 6 triệu đồng nhưng cũng không ai mua vì cho là cao. Còn chiếc nậm rượu men trắng vẽ lam, được cho là có niên đại đầu thế kỷ XX, giá khởi điểm chỉ 2 triệu đồng cũng bị cho là đắt.
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhà tổ chức - ông Đào Phan Long (Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long), cho rằng mức giá sàn do các anh em trong các Hội Cổ vật tự đặt ra. Còn theo anh Phạm Ngọc Dũng (một dân chơi đồ cổ sành sỏi đất Hà thành), để định mức giá sàn phải căn cứ vào sự điều tiết của thị trường thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, giá cổ vật cũng phải được định theo nhận thức của người chơi, chứ không phải do "thế giới ngầm" quy định.
Xem lại món đồ vừa đấu giá (Ảnh: Trường Sơn)
Chưa thu hút, vì sao?
Một trong những lý do mà phiên đấu giá chưa thu hút được người mua vì phần đông đều dè dặt "không biết ai thẩm định", "không biết thật giả thế nào". Vì vậy, khi vài cổ vật trên 100 triệu đồng được ngã giá thì lập tức, dưới hội trường có tiếng xì xào: "Chắc là "chân gỗ" đấy thôi. Các ông ấy tự bày lên rồi giả vờ mua để "mồi" khách ấy mà".
Chiếc trống đồng Đông Sơn, được cho là có niên đại 2.000 năm, đường kính 58 cm, rộng 68 cm, tình trạng nguyên vẹn. Giá khởi điểm là 120 triệu đồng. Nhà cái ra giá đến lần thứ 3, vẫn chẳng có cánh tay nào giơ lên. Một chiếc lọ lam phun vẽ 5 con cá trên đại dương, niên đại được cho là thế kỷ XVIII, giá 6 ngàn USD. Một dân chơi lên mua, và anh này cũng chính là người trong Hội Cổ vật Thăng Long (đơn vị tổ chức đấu giá)!
Theo thông cáo của Ban tổ chức, trong chương trình Ngày hội mừng xuân của các nhà sưu tập cổ ngoạn, ngoài màn đấu giá còn có phần trưng bày 1.370 cổ vật từ các bộ sưu tập tư nhân. Nhưng trong gian trưng bày lại có riêng một góc dành cho các hiện vật mới, do các nghệ nhân đúc đồng Thanh Hóa chế tạo. Đó là những chiếc trống mô phỏng trống đồng Ngọc Lũ, được rao bán từ 32 đến 45 triệu đồng, trống hoa văn Quảng Xương được rao bán 3,5 triệu đồng, trống hoa văn Mường giá 16 triệu đồng.
Cần có công ty đấu giá chuyên nghiệp
Có một thực tế là số người chơi cổ vật cả trong Nam ngoài Bắc vẫn ngày càng tăng. Việc mua bán, trao đổi, cho tặng, thừa kế cổ vật thuộc sở hữu tư nhân và nhà nước đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành. Thông tư hướng dẫn thủ tục đăng ký cổ vật cũng đã ban hành từ năm 2004. Hành lang pháp lý cho thị trường đã thông thoáng. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một sân chơi công khai, lành mạnh.
Theo một chuyên gia khảo cổ học, ở nước ngoài, việc đấu giá phải do một công ty có uy tín tổ chức và phải có một hội đồng giám định khoa học. Quy trình như sau: sau khi thực hiện giám định, dán tem bảo đảm chất lượng, cổ vật sẽ được trưng bày, quảng cáo khắp nơi và được đặt giá rất thấp để thu hút nhiều người đến mua. Anh Phạm Ngọc Dũng bày tỏ nỗi băn khoăn: "Để có một thị trường minh bạch, bài bản thì trước hết, thị trường đó phải được Nhà nước công nhận, như các nhà Sotheby, Christie, tức là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phải cho phép thành lập công ty đấu giá chuyên nghiệp. Ai cần mua, cần bán phải đăng ký qua công ty này. Cổ vật được rao bán trên thị trường phải là những cổ vật quý, có lý lịch, xuất xứ rõ ràng, và phải có các nhà khoa học lên giới thiệu. Những việc này phải được tiến hành đồng bộ. Nếu không như vậy thì thị trường cổ vật vẫn chỉ là buôn bán theo kiểu chợ trời, manh mún, chụp giật".
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì những hiện vật được coi là cổ vật phải là "hiện vật có từ một trăm năm tuổi trở lên, được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học". Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia khảo cổ học, không dễ gì để xác định niên đại cổ vật. Vì thế, nếu có đoán định sai cũng là chuyện thường tình. Để xác định niên đại cổ vật, phải dùng đến các phương pháp khoa học với máy móc hiện đại, như: xác định đồng vị carbon, phương pháp quang phổ (để xem chất liệu cổ vật có phải là nguyên chất hay đã bị pha tạp, bởi những vật liệu mới của đời sau), chiếu tia X-quang (để xem sửa chữa hoa văn, họa tiết ở đâu), xác định văn tự hay so sánh loại hình... |
Y Nguyên
Bình luận (0)