Đổi khách sạn thành văn phòng cho thuê
Anh Nguyễn Thành Tân mua căn nhà ở khu phố Tây Bùi Viện (Q.1) vào năm 2018 và mở homestay, kinh doanh khá tốt. "Thời điểm đó, căn nhà một trệt một lầu với 4 phòng luôn kín khách dù nằm trong hẻm. Có ngày, chúng tôi phải từ chối nhiều booking phòng. Khách du lịch ở phố Tây các năm 2018, 2019 luôn đông chật đường", anh Tân nói.
Giữa năm 2019, nhận thấy thị trường du khách quốc tế khả quan, anh Tân quyết định đầu tư xây căn nhà thành khách sạn mini hơn 10 phòng. Căn nhà vừa xây xong, nội thất cũng đã hoàn thiện nhưng dịch Covid-19 ập tới. Anh Tân đóng cửa nhà đến 2022, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch quốc tế, thì đăng báo cho thuê. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, căn nhà vẫn bỏ trống.
"Nhiều người tới coi nhưng họ bảo lúc này có quá nhiều chọn lựa ở phố Tây. Không chỉ căn của tôi, nhiều khách sạn trong khu này cũng đang kinh doanh ế ẩm vì vắng khách, không ít căn bỏ trống. Tôi cũng rao bán nhưng không ai mua", anh Tân chia sẻ thêm.
Chủ khách sạn TP.HCM cắn răng bù lỗ, khắp nơi treo bảng sang nhượng vì "hụt hơi"
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, chưa khi nào, nội dung liên quan bán khách sạn ở Q.1 nhiều như lúc này. Hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường đông đúc du khách nước ngoài như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân.... rao bán.
"Thời điểm trước Covid-19, nếu anh muốn tìm mua khách sạn ở khu vực trung tâm Q.1 không dễ vì đa phần đang kinh doanh tốt, có doanh thu ra vào. Có chăng chỉ sang nhượng. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng rao bán khách sạn có thể nói là tăng đột biến, với nhiều lý do, nhưng chắc chắn trong đó có nguyên nhân vắng du khách quốc tế kéo dài", anh Tân chia sẻ sau những ngày miệt mài tìm hiểu thị trường bất động sản lưu trú để có phương án bán căn nhà của mình ở Q.1 nhanh hơn.
Dạo quanh một vòng trung tâm TP.HCM, nhiều khách sạn treo bảng rao bán. Trên đường Đỗ Quang Đẩu (Q.1), một trong bốn đường chính làm nên khu phố Tây (cùng với Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão), một căn mặt tiền rộng 150m2, 7 lầu, rao bán với giá 130 tỉ đồng. Trên đường Lê Thị Riêng, khách sạn của một hệ thống hạng trung, rao bán 315 tỉ đồng, 10 lầu, 400m2. Căn góc Lý Tự Trọng - Lê Anh Xuân, Q.1, 50 phòng, giá bán 420 tỉ...
Một số khách sạn khác vẫn còn đóng cửa, hoặc thay đổi chức năng thành văn phòng cho thuê, như khách sạn 4 sao Lavender ngay góc ngã tư Lý Tự Trọng và Trương Định. Khách sạn này trước đại dịch là nơi lưu trú khá nổi tiếng, vì nằm ở vị trí "vàng", có thể đến chợ Bến Thành vài chục mét, qua phố Tây và đến trung tâm rất gần. Các khách sạn khác trên trục đường Lê Lai, đối diện công viên 23.9 và gần nhà ga Metro cũng thay đổi công năng, thành văn phòng cho thuê...
Xem nhanh 20h ngày 27.2 Ông Đoàn Ngọc Hải và chiến dịch vỉa hè dang dở | Tổng giám đốc FLC từ chức
Hạ giá phòng, công suất vẫn rớt thảm
Ông Nguyễn Thái Nguyên, làm trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn nhận định, thị trường lưu trú ở TP.HCM đang rớt thê thảm. "Một hệ thống khách sạn lớn trên địa bàn chỉ đạt công suất phòng 47%, trong khi trung bình của cả thị trường khoảng 40% ở thời điểm hiện tại. Các khách sạn có thể đầy khách vào những ngày cuối tuần nhưng không thể cứu được các ngày trong tuần vắng vẻ và dĩ nhiên cũng không cứu được công suất phòng cả tháng", ông Nguyên phát biểu.
Chủ đầu tư một khách sạn 4 sao hơn 100 phòng trên đường Hồ Huấn Nghiệp (Q.1) cho biết, công suất phòng của khách sạn cả tháng vào khoảng 50 - 60%, cuối tuần đạt 80% nhưng những ngày trong tuần tầm 40%. "Công suất như vậy là quá thấp so với những năm trước đại dịch, trong khi giá phòng chúng tôi bán ra thấp hơn dù lạm phát đã tăng cao. Với tình hình du lịch Việt Nam hiện nay và vấn đề lạm phát toàn cầu, chúng tôi không kỳ vọng gì nhiều về công suất phòng được cải thiện hơn trong năm nay, khó đạt công suất 80% chứ đừng nói gì tới việc trở lại như cũ", vị này chia sẻ.
Theo khảo sát của Savills, năm 2022, công suất phòng khách sạn tại TP.HCM đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm so với 2021, nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019. Riêng quý 4/2022, công suất phòng đạt 62%, trong khi đó giá phòng trung bình đạt 1,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 9% so với quý 3. Năm 2022, TP.HCM đón gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn 59% so với năm 2019. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 171% so với năm 2021 nhưng thấp hơn 14% so với năm 2019.
Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, đồng thời kinh doanh du thuyền Saigon Princess và Cantho Princess, nhận xét: Thị trường du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng khá ảm đạm, khiến các doanh nghiệp dịch vụ du lịch vất vả thay đổi chiến lược. "Qua Tết Nguyên đán, thông thường các năm trước đại dịch vẫn đang là mùa cao điểm khách quốc tế đến tháng 5. Tuy nhiên, năm nay, vào tháng 2 đã vắng dù du lịch Việt Nam mở cửa đã 1 năm", ông Hải nói.
Nguồn khách quốc tế không tốt nên ông Hải chuyển hướng, tập trung quảng bá, tiếp thị vào nhóm khách trong nước và khách lẻ quốc tế đến Việt Nam với mục đích công tác cho các dịch vụ trên du thuyền. "Trước đây, du thuyền của chúng tôi đón 70% khách tour, 30% khách lẻ nhưng nay khách tour hoàn toàn không có. Hiện, các công ty du lịch chỉ biết trông đợi vào mùa cao điểm quốc tế sắp tới, từ tháng 10 trở đi", ông Hải chia sẻ.
Tháng 1.2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 871.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12.2022. Năm 2022, Việt Nam đón 3,6 triệu khách quốc tế so với kế hoạch 5 triệu và năm nay đặt mục tiêu 8 triệu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, con số này khó đạt được vì Việt Nam đang "trắng" nguồn khách Trung Quốc.
Bình luận (0)