(TNO) Chiều nay 17.9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo, giảm án cho 2 trong 3 bị cáo ở phiên phúc thẩm vụ án chấn động dư luận cả nước làm chết 3 trẻ sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị.
Từ trái qua: Vân, Sơn, Thiện trước tòa - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Theo cáo trạng, sáng 20.7.2013, y sĩ Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa Nguyễn Thị Thuận (51 tuổi, không kháng cáo sau khi bị tuyên phạt 5 năm tù tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp) tìm vắc xin viêm gan B tiêm cho 3 trẻ sơ sinh.
Do mất điện, Thuận dùng điện thoại bật đèn pin lấy vắc xin trong tủ lạnh khoa khám bệnh nhưng nhầm 3 lọ Esmeron (thuốc gây mê) và tiêm cho 3 trẻ, sau nửa tiếng, 3 trẻ này chết.
Biết tiêm nhầm, Thuận tìm lại 3 vỏ lọ thuốc Esmeron đã tiêm, lấy thêm 3 lọ vắc xin viêm gan B chưa sử dụng trở lại khoa sản.
Vân kháng cáo kêu oan nhưng không được chấp nhận do thiếu trách nhiệm quản lý, để thuốc Esmeron trong tủ chung với vắc xin thời gian dài - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Thuận đổ cả 3 lọ vắc xin viêm gan B rồi bỏ vào sọt rác xe tiêm thuốc tạo chứng cứ giả, phi tang 3 lọ Esmeron ở gốc cây nhãn sau khoa sản, vứt luôn vỏ hộp. Tiếp đến, Thuận nhờ đồng nghiệp lấy 3 vỏ lọ vắc xin viêm gan B và 3 ống tiêm giao nộp cho Ban Giám đốc.
Liên quan vụ việc, TAND tỉnh Quảng Trị còn tuyên phạt Nguyễn Văn Thiện (55 tuổi, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị) 3 năm tù giam, Lê Huỳnh Sơn (40 tuổi, phụ trách phòng mổ, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện) 4 năm tù giam, Trần Thị Hải Vân (35 tuổi, y tá trưởng khoa khám bệnh) 3 năm tù treo cùng tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiện là bị cáo duy nhất có luật sư bào chữa ở phiên tòa này - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Theo đánh giá ở phiên sơ thẩm, ngoài y sĩ Thuận có lỗi trực tiếp, thì ngày 6.6.2013, do phẫu thuật dùng không hết hộp Esmeron lấy từ khoa dược nên Sơn lấy bút lông ghi chữ “thuốc độc” lên vỏ hộp và cho vào ngăn bảo quản vắc xin viêm gan B trong tủ lạnh của khoa khám bệnh.
Trong khi đó, Vân có trách nhiệm quản lý tủ lạnh nhưng để Sơn gửi thuốc khác vào, không kiểm tra, còn vào thời điểm trên, Thiện chịu trách nhiệm quản lý bệnh viện nhưng trước khi xảy ra vụ việc 2 ngày, Sở Y tế Quảng Trị kiểm tra, phát hiện thuốc Esmeron để chung tủ lạnh với vắc xin viêm gan B nhưng Thiện không chấn chỉnh.
Ở phiên phúc thẩm, HĐXX cho rằng hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo Sơn, Thiện là rõ ràng, nhưng bệnh viện này thuộc vùng khó khăn, thiếu thốn vật chất, hạn chế nhân lực, ban giám đốc đã đề nghị nhiều nhưng chưa được khắc phục, công tác quản lý thuốc thời gian dài chưa chấn chỉnh và việc xảy ra hậu quả có phần khách quan do cúp điện.
Cũng như Thiện, bị cáo Sơn thừa nhận hành vi phạm tội nhưng xin giảm nhẹ hình phạt - Ảnh; Nguyễn Tú
|
Đồng thời, bị cáo Thiện, Sơn có cống hiến, chuyên môn cao, tâm huyết với đồng bào dân tộc thiểu số, được cả 3 gia đình bị hại, tổ chức đoàn thể, tập thể bệnh viện…có đơn xin giảm án.
Do đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm án cho Sơn còn 3 năm tù treo, Thiện lãnh 3 năm tù treo, cả hai cùng thời hạn thử thách 5 năm.
Riêng Vân kêu oan không được chấp nhận, Vân cho rằng chỉ có trách nhiệm quản lý tủ lạnh và nhiệt độ bảo quản nên đã hoàn thành nhiệm vụ, không chịu trách nhiệm về số lượng và loại thuốc; tuy nhiên qua lời khai, đối chất các bên và hồ sơ điều tra đã làm rõ sai sót của Vân khi để tồn tại thuốc Esmeron chung trong tủ lạnh vắc xin thời gian dài.
Ngoài mức án trên, Bệnh viện Hướng Hóa còn tăng bồi thường cho 2 gia đình bị hại là Nguyễn Đình Đạo và Trần Thị Hà lên 143 triệu đồng/gia đình, cao hơn mức sơ thẩm, riêng gia đình sản phụ Hồ Thị Thương không yêu cầu bồi thường thêm.
Bình luận (0)