'Em chỉ là giáo viên thôi!'

13/01/2019 13:02 GMT+7

Tôi có mấy ngày giảng bài ở Ban Mê, đủ lâu để có thể thu xếp thời gian gặp gỡ học trò cũ.

Một cậu học trò giờ đang là nhà báo chững chạc đánh xe hơi đến đón thầy. Đôi cô cậu khác, giờ đã là vợ chồng, thu xếp bỏ buổi bán hàng bận bịu ở công ty của nhà để đến gặp. Thương nhất là cô học trò một mình chạy xe máy mấy chục cây số đường núi từ một huyện xa về thăm thầy cho bằng được.
Chuyện thầy trò rôm rả, bữa cơm trưa như chỉ là một cái cớ để gặp nhau. Chuyện gần chuyện xa gì thì rồi cũng dẫn đến chuyện hỏi han nhau về công ăn việc làm, về cuộc sống của mỗi người.
Đôi vợ chồng thì kể, chẳng có vẻ gì là khoe khoang cả, về sự bận rộn hiện giờ của họ vì cái công ty thương mại, phân phối hàng hóa mà họ gầy dựng được. Cô sinh viên khoa văn ngày nào giờ là một bà chủ doanh nghiệp khá thành công, kể lại những gì cô ấy trải qua sau cái thử thách gọi là thất nghiệp lúc mới ra trường. “Vật cùng tắc biến”, cái hoàn cảnh cùng cực nào đó rốt cuộc rồi cũng giữ đúng vai trò của nó với cuộc đời của những người trẻ tuổi, là thúc đẩy sự bùng nổ nghị lực và trí lực riêng ở họ, để tìm cho mình con đường thoát đi ngay cả khi trước mặt là những bức tường thành cản trở.
Cậu học trò nhà báo thì kể chuyện cậu ấy đã làm gì để có chỗ đứng trong tòa soạn như bây giờ. Cái duyên cái nghiệp viết lách báo chí không phải tự nhiên mà vận vào ai. Thường thì nó chỉ vận vào những người có một chút tâm, một chút chí với cái nghề xê dịch để chạm vào những nỗi đau đời. Giờ cậu ấy vững chãi trong một vị trí công việc rất được tôn trọng ở tòa soạn.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: nhipsongdothi@thanhnien.vn
Cô học trò lặn lội đường xa về thăm thầy giờ là một cô giáo vùng cao, dạy trung học cơ sở. Câu chuyện của cô ấy bỗng bắt đầu với một thứ ngữ pháp lạ: “Em chỉ là giáo viên thôi”.
Ôi trời, tôi thiếu điều bật dậy sau hai chữ “chỉ là”. Cô ấy bẽn lẽn thanh minh rằng, mình không được như các bạn vừa kể, không nhiều tiền như hai vợ chồng doanh nhân, không “oách” như anh bạn nhà báo. Lúc đó ai trong bàn cũng đều trêu cô ấy vì cái lý lẽ “em chỉ là giáo viên thôi”.
Tôi còn biết qua Facebook của cô học trò ấy, ngoài lúc dạy học, cô ấy bán thêm hàng thời trang trên mạng để tăng thu nhập. Lương nghề giáo thì đủ làm sao được để mà sống cho bằng bạn bằng bè. Thú thật, tôi không thoát ra được cái ám ảnh bởi câu nói “em chỉ là giáo viên thôi” của cô học trò cũ.
Độ vài tuần sau cuộc gặp ấy thì đến dịp 20 tháng 11. Một câu chuyện nhỏ bằng hình ảnh được cô học trò cũ ấy đăng lên Facebook, tường thuật lại chuyện mấy đứa học trò nghèo vùng cao nơi cô ấy dạy, chặn cửa lớp không cho cô vào trong lúc chúng đang còn chưa kịp chuẩn bị xong trò bất ngờ để tặng cô.
Số là cô học trò cũ của tôi bị ốm đúng dịp 20 tháng 11 không đến trường được, nên mấy đứa học trò nhỏ mừng ngày nhà giáo muộn cho cô. Nhìn mấy món quà nhỏ học trò sắp đặt cho cô giáo mà thương quá. Thậm chí tôi còn không tránh khỏi cảm giác ganh tị với niềm vui ấm áp đến thế mà cô học trò tôi may mắn nhận được từ những đứa nhỏ hồn nhiên. Cô học trò của tôi có được những thứ tài sản tinh thần mà không bất cứ một chức vụ hay sự giàu có tiền bạc nào có thể so được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.