Enrique ra đi, Barcelona có ngừng ảo tưởng?

02/03/2017 11:33 GMT+7

Truyền thông quốc tế không quá bất ngờ với tuyên bố chia tay Barcelona của HLV Luis Enrique. Vai trò của ông và cả tình hình ở Barcelona sau 3 năm trời là yếu tố dẫn tới cuộc chia tay gần như được dự báo trước này.

Lỗi cũng ở Enrique
Phát biểu trong cuộc họp báo, Enrique khẳng định tất cả ở Barca đều ổn, và ông chỉ đơn giản muốn nghỉ ngơi. Dù vậy, dĩ nhiên giới quan sát không bao giờ nghĩ đơn giản như vậy, nhất là khi tuyên bố rời Barca đưa ra ngay khi đội bóng hoàn tất phần nào cuộc bám đuổi gần như vô vọng với Real: Chính thức leo lên vị trí đầu bảng sau trận thắng Gijon 6-1, dù vẫn đá hơn Real Madrid một trận.
Trước hết, tính thời điểm của việc tuyên bố chia tay gây đôi chút ngạc nhiên, nhưng lại là kết cục hợp lý. Việc Enrique thông báo chia tay cuối mùa bất kể leo lên đầu bảng và trên lý thuyết còn cơ hội quật ngã Paris Saint-Germain ở Champions League, chứng tỏ ông phần nào hiểu rằng dẫu mùa bóng năm nay đi về đâu thì kết cục của ông cũng không khác.
Tại Barcelona, Luis Enrique có vị trí giống với Pep Guardiola, tức một cựu cầu thủ Barca lên dẫn dắt đội và thấm nhuần phong cách của CLB. Nhưng Enrique chi là... Enrique. Ban lãnh đạo Barca không đánh giá cao Enrique, bất chấp chỉ trong 3 mùa ông đã có 8 danh hiệu lớn nhỏ, bao gồm 2 La Liga và 1 Champions League.
Về chuyên môn, Enrique bị coi là không sáng tạo như Pep. HLV 46 tuổi chỉ thừa kế những gì sót lại ở Barca, và thành công của tập thể dưới tay ông bị đồng nhất với phong độ của bộ ba Messi - Neymar - Suarez.
Đây không phải nhận định quá oan uổng, nếu biết rằng năm nay là mùa giải Barca gần như hoàn toàn phụ thuộc vào M-N-S, và tuyến tiền vệ mất đi khả năng ghi bàn, tạo đột biến thông qua bàn thắng. Ở khoản chuyền bóng, năm nay không một cầu thủ Barca nào lọt vào top 10 La Liga, và riêng hàng tiền vệ không ai thuộc top 25. Đó là con số xấu hổ nếu giới quan sát cố tập trung vào khái niệm ban bật kiểu “tiki-taka” trước đây. Nói cách khác, dù Barca chỉ thua 2 trận tại La Liga, giành trung bình 2,28 điểm và ghi 2,84 bàn/trận tính đến nay, nó không giúp ông Enrique được ca ngợi.
Enrique không được đánh giá cao dù đã giúp Barcelona giành cú ăn ba AFP
ESPN nhấn mạnh rằng thực tế từ năm đầu tiên Enrique dẫn dắt Barca, thông tin về việc ông bị sa thải đã xuất hiện sau trận thua Real Sociedad ngày 5.1.2015. Chính Enrique tự cứu mình với một loạt trận thắng liên tục mùa ấy và đoạt luôn Champions League.
Lỗi của Enrique nằm ở chỗ ông đã gần như “phá nát” những gì Pep Guardiola gầy dựng, bằng một lối chơi dựa nhiều hơn vào phẩm chất cá nhân thay vì tập thể. Sports Illustrated phân tích rằng những cầu thủ như Ivan Rakitic, Andre Gomes hay Arda Turan đều giỏi, nhưng họ không... giống một cầu thủ Barca tí nào.
Lỗi của Enrique cũng ở chỗ, ông đã quá thành công. Thường thì ở một đội như Barca, đã vô địch Champions League và La Liga, thì đừng thua những trận như thất bại 0-4 trước PSG. Một trang giấy trắng tinh tươm chỉ càng khiến vết chấm đen nhỏ trở nên bị chú ý nhiều hơn mà thôi.
Người Catalan ngừng ảo tưởng?
Đặt ngược lại câu hỏi dành cho nhận định phía trên: Một mình Enrique có phá nát được Barca hay không? Câu trả lời là không thể nào. Enrique dẫn Barca từ lúc nắm Barca B và có thời gian “tu nghiệp” không mấy ấn tượng ở Roma, nên ông không thể là nhân vật “thét ra lửa”. Vì vậy, chính sách của đội bóng mới đóng vai trò quan trọng.
Sports Illustrated chỉ ra rằng trong trận Barca thắng nhạt nhòa Leganes 2-1 (ngay sau khi thua PSG), lần đầu tiên Barca chỉ ra sân với đúng một cầu thủ người Catalan, và người ấy cũng thuộc dạng “chẳng là gì” trong đội: Sergi Roberto.
Suarez chính là sự thay đổi mà Enrique mang đến cho Barcelona AFP
Barcelona đã sống quá lâu trong chuỗi vinh quang do chính người Catalan và lò La Masia mang lại dưới thời Pep. Họ sẽ khó đồng ý nếu Enrique cậy nhiều vào chính sách chuyển nhượng mới, vốn nhìn thấy những Neymar, Suarez, Rakitic, Aleix Vidal hay Turan đóng vai trò then chốt. Trong khi đó, câu chuyện về việc tìm một Xavi thứ hai đã luôn nhức nhối, đủ thấy rằng dù Enrique cố “nhét” Sergi hay Rafinha vào đội hình chính cũng chẳng mấy tác dụng.
Nói cách khác, cách đá dựa nhiều hơn vào phẩm chất cá nhân cầu thủ của Enrique không hẳn là lời chê bai. Đơn giản mỗi lò luyện cầu thủ hay thậm chí một phong cách bóng đá cũng sinh - trụ - dị - diệt như thường. Đã qua rồi tiki-taka còn thống trị, và cũng qua rồi một thời Barca có những cá nhân phục vụ gần như hoàn hảo cho cách chơi ấy. Enrique xứng đáng được khen vì tiếp nối được thành công bằng tư duy thức thời, thay đổi cách dùng người. Những pha bóng xuất thần của Neymar và Suarez chẳng phải đã rất nhiều lần “cứu” Barca?
Chắc chắn Dani Alves là người ủng hộ suy nghĩ ấy. Anh từng là trụ cột lâu năm của Barca, nhưng vẫn khẳng định đội bóng cũ vô ơn. Đơn giản anh là người Brazil và nổi lên từ thành Seville, chứ không phải Barcelona.
Theo thông tin mới từ Goal.com, Barca tuyên bố sẽ chiêu mộ một “siêu huấn luyện viên” để thay thế Enrique. Chưa biết tài năng của người đó thế nào, nhưng chắc chắn họ không thể làm theo cách của Enrique.
Có 6 cái tên đang đứng đầu danh sách này gồm Jorge Sampaoli (Sevilla), Ronald Koeman, Pep Guardiola, Thomas Tuchel, Ernesto Valverde và Mauricio Pochettino. Ai có thể vô địch bằng người Catalan, bằng tiki-taka và bằng La Masia?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.