'Ép' nghệ thuật VN ngang tầm châu Á

15/04/2015 08:51 GMT+7

Mà đây lại là một trong những mục tiêu phấn đấu được đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang chủ trì tiến hành xây dựng đề án triển khai.

Mà đây lại là một trong những mục tiêu phấn đấu được đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang chủ trì tiến hành xây dựng đề án triển khai. 

Nhà hát Kịch VN nhiều năm nay nằm phía sau Nhà hát Lớn, luôn chịu cảnh chật hẹp,
thường thuê địa điểm biểu diễn, trong khi rạp Công Nhân của Nhà hát Kịch Hà Nội
được xây mới nằm ở vị trí đắc địa, hay cho thuê sân khấu với các hoạt động biểu diễn bên ngoài
- Ảnh: Ngọc Thắng
Hội nghị công bố quy hoạch và lấy ý kiến cho đề án triển khai quy hoạch khu vực phía bắc đã diễn ra vào hôm qua (14.4) tại Hà Nội.
Nhiều đại biểu bỏ về
Hội nghị chỉ diễn ra trong một buổi sáng. Dù vậy, khi hội nghị diễn ra được nửa thời gian, nhiều đại biểu ra về, gần một nửa khán phòng trống huếch. Nhiều đại biểu được gọi lên phát biểu cũng… vắng mặt. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng thông báo vắng mặt ở “phút 89”.
Trong bản báo cáo tóm tắt quy hoạch được PGS-TS Lương Hồng Quang - Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN chia sẻ tại hội nghị, mục tiêu đến năm 2020, VN tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực (đội ngũ sáng tạo, nghệ sĩ, kỹ thuật viên, nhà lý luận, phê bình, nhà quản lý) có trình độ chuyên môn tầm khu vực và châu Á. Và định hướng đến năm 2030, VN “phấn đấu đưa nghệ thuật biểu diễn có vị trí vững chắc trong khu vực và châu Á”. PGS-TS Lương Hồng Quang cho biết theo đánh giá, VN chưa có tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mang tầm thời đại. Bởi vậy, mục tiêu đặt ra, trong 5 năm tới, VN sẽ có các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, quảng bá không chỉ trong nước mà cả ở quốc tế.
Nhìn nhận về những mục tiêu tiến ngang tầm khu vực và châu Á, chia sẻ bên lề hội nghị với Thanh Niên, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Sân khấu VN nhìn nhận: “Tôi chưa dám nói những mục tiêu này là không tưởng nhưng mọi quy hoạch phải được cụ thể hóa.
Chẳng hạn, với những loại hình nghệ thuật thì chúng ta lấy tiêu chí gì để mà nói là ngang tầm khu vực và châu Á. Về mặt kỹ thuật, công nghiệp biểu diễn thì còn có thể vươn tới sự hội nhập, còn nghệ thuật vươn tới hội nhập thì là như thế nào. Nếu phấn đấu tuồng, chèo, cải lương, hay các loại hình nghệ thuật truyền thống hội nhập, xóa nhòa bản sắc thì chết”.
Quy hoạch trên giấy ?!
“Nghe quy hoạch thì hấp dẫn đấy nhưng xin hãy biến giấc mơ thành hiện thực!”, NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN lên tiếng. Ông Vinh nhắc lại tình trạng “nhà hát mà không có nhà để… hát” tồn tại suốt bao nhiêu năm qua của Nhà hát Cải lương VN. “Không phải đến giờ chúng tôi mới nói đến chuyện này, mà lâu nay nhiều nhà hát cũng đã lên tiếng. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nói đã vào cuộc, nhưng rốt cuộc đến giờ vẫn chưa có”, ông Vinh bày tỏ.
Đề án quy hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020 đã được phê duyệt triển khai từ đầu năm 2013, nhưng đến giờ không ai hay biết quy hoạch đã được triển khai đến đâu. “Không hiểu đề án này triển khai đến khi nào. Chúng ta cần phải biết từ nay cho đến 2 năm sau, hay 5 năm sau xây, nâng cấp được bao nhiêu nhà, tiền lấy ở đâu, đất lấy ở đâu, nhưng lại không được hay biết”, NSND Lê Tiến Thọ đặt câu hỏi với cơ quan quản lý. Với bản quy hoạch mới, ông Thọ băn khoăn: “Tôi không thấy ghi rõ thời gian triển khai, thực hiện, các giải pháp cũng chẳng đưa ra cụ thể”. “Nếu không có giải pháp cụ thể, rồi 5 năm nữa chúng ta phải dựng một bản quy hoạch khác. Không cẩn thận quy hoạch cũng sẽ chỉ mãi nằm trên giấy”.
Kiếm đâu hàng chục nghìn tỉ ?
Ông Phạm Đình Thắng - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết ban đầu 40 đề án được xây dựng để triển khai quy hoạch, nhưng sau đó đã rút được xuống 17 đề án với các nội dung: tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy hoạch, xây dựng văn bản quản lý nhà nước và cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, quy hoạch các đơn vị nghệ thuật, hợp tác quốc tế.
Nguồn vốn thực hiện quy hoạch chỉ được đưa ra chung chung: vốn từ ngân sách T.Ư, địa phương, an ninh, quốc phòng bố trí theo kế hoạch, ngoài ra là huy động đóng góp xã hội hóa. Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Đình Thắng cho biết: “Kinh phí hiện nay được lấy từ kinh phí hằng năm tập trung xây dựng đề án triển khai thực hiện quy hoạch. Đến quy hoạch ở giai đoạn nào thì sẽ bố trí ngân sách cho từng giai đoạn ấy”. “Chưa có kinh phí dự trù tổng thể, phải xây dựng xong đề án triển khai mới tính được”, ông Thắng nói.
Dù vậy, có thể con số này là rất lớn. Chẳng hạn trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, chỉ riêng tổng nhu cầu vốn cho việc xây mới và nâng cấp nhà hát dự kiến là 6.883 tỉ đồng. Còn trong đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020, dự kiến kinh phí là 10.000 tỉ đồng.
Sau khi nhận được ý kiến đóng góp về chế độ chính sách với nghệ sĩ, ông Phạm Đình Thắng nhìn nhận: “Đây là đề tài nổi bật nhất, vẫn là nội dung đau đáu của Bộ trong nhiều năm qua. Qua rất nhiều đời bộ trưởng, vẫn chưa giải quyết được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.