'Ép tiến độ' nghiên cứu điện Kính Thiên

24/03/2015 07:39 GMT+7

Theo một số nhà khoa học, việc phải báo cáo đề xuất về mô hình xây dựng điện Kính Thiên trong năm 2016 là quá gấp gáp.

Theo một số nhà khoa học, việc phải báo cáo đề xuất về mô hình xây dựng điện Kính Thiên trong năm 2016 là quá gấp gáp.

Thềm rồng thời Lê sơ - dấu vết còn lại của không gian điện Kính Thiên - Ảnh: Ngữ Thiên
Những bậc thềm rồng trước nhà Cục tác chiến, Đoan Môn là hai dấu tích còn lại hiếm hoi từ thời Lê sơ trên các trục trung tâm của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Người dân đã quá quen với những dấu tích này. Và giờ đây, không chỉ là thân quen, chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục không gian điện Kính Thiên. “Phạm vi đề án khôi phục không gian điện Kính Thiên sẽ tập trung nghiên cứu vào triều Lê. Tập trung vì hiện giờ chúng ta có Đoan Môn và thềm rồng rõ nét nhất. Những dấu tích thời Lý, thời Trần cũng vô cùng quan trọng nhưng chúng ta mới chỉ đang lần tìm. Vì thế, thời Lê sơ và Lê Trung hưng là lựa chọn hợp lý”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, nói.
Một thăm dò ý kiến của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho thấy, có tới 17/20 ý kiến (85%) cho rằng nên phục dựng điện Kính Thiên, 2/20 ý kiến (5%) phản đối và 1/20 ý kiến (5%) không rõ ràng.
Một học giả trong phiếu lấy ý kiến nhấn mạnh: “Phục dựng điện Kính Thiên trong hoàng thành nhất thiết phải đặt trong chương trình tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của một di sản văn hóa thế giới”.
Theo yêu cầu, đề án này nhằm nhiều mục tiêu. Trong đó có thực hiện công tác khai quật khảo cổ, định hướng nghiên cứu toàn diện và chi tiết không gian điện Kính Thiên, khôi phục 2D, 3D mô hình thực tế điện này. Đề án cũng tạo tiền đề, cơ sở khoa học để cơ quan có thẩm quyền quyết định khôi phục chính điện cũng như không gian điện Kính Thiên. Theo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trong năm 2016 sẽ phải báo cáo đề xuất UBND TP về mô hình phục dựng điện Kính Thiên.
“Nhiệm vụ khó khăn”
“Đây là nhiệm vụ khó khăn. Nó sẽ phụ thuộc vào khai quật khảo cổ và tư liệu ảnh”, PGS-TS Tống Trung Tín nói. Trên thực tế, những tư liệu ảnh liên quan đến điện Kính Thiên không nhiều. Chúng ta chỉ còn một số ảnh, tranh do người Pháp chụp khoảng cuối thế kỷ 19, ngay trước khi điện này bị tàn phá. Theo PGS-TS Phan Khanh, các tư liệu ảnh này đang nằm rải rác trong thư viện quốc gia và một số sách báo cũ, kể cả sang Pháp sưu tầm kỹ ở lưu trữ Aix-en-Provence. Còn khai quật khảo cổ cho đến nay mới chỉ ở diện tích nhỏ.
Ông Tín cũng cho biết việc khai quật sẽ được thực hiện mở rộng hơn trước. “Tuy kế hoạch khảo cổ học khó nhưng cũng làm được thôi. Vì nó dính đến khu vực đương đại. Một số công trình không quan trọng ở đấy phải xin phép dời đi”, ông Tín nói.
Cách đây 2 năm, một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Xây dựng đã nghiên cứu kế hoạch dời khu nhà Cục tác chiến trong Hoàng thành Thăng Long. Việc di dời này được PGS-TS Phan Ý Thuận, ĐH Xây dựng, cho rằng sẽ giúp làm liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên.
Việc dời nhà Cục tác chiến này, theo PGS-TS Tống Trung Tín, sẽ mở rộng không gian của di sản, khiến nó thích hợp hơn với những hoạt động có đông người. “Điều này cũng mở đường cho việc tái hiện hội đèn Quảng Chiếu - một lễ hội lớn thời Lý”, ông Tín cho biết. Một phiếu điều tra đã được Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội gửi tới 20 nhà khoa học về việc di dời khu nhà này. Kết quả, có tới 17/20 ý kiến cho rằng nên di dời hoặc tháo dỡ nhà Cục tác chiến để có thể có được không gian điện Kính Thiên.
Nên có thêm thời gian
Một số nhà nghiên cứu (đề nghị không nêu tên) cũng cảm thấy e ngại với tiến độ của đề án, khi năm 2016 phải báo cáo thành phố mô hình phục dựng điện Kính Thiên. “Gấp quá sợ không làm được. Theo tôi được biết, việc nghiên cứu tương tự tại kinh đô Nara (Nhật Bản) đã tiêu tốn cả chục năm”, một nhà nghiên cứu chia sẻ.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản, nói: “Theo tôi, quan niệm quyết dự án nghiên cứu để đề xuất là có dựng hay không dựng. Nếu đã dựng thì phải nghiên cứu phương án dựng, phải qua nhiều năm nữa. Thứ nữa là khi bạn là chủ nhiệm đề án đấy, bạn có thể chọn dựng hoặc không, nhưng nếu không nghiên cứu thì sẽ không có cơ sở để quyết là dựng hay không dựng. Còn dựng như thế nào thì còn làm tiếp chứ”.
Tuy cho rằng khoảng thời gian 2 năm này có thể sẽ gây sức ép với các nhà khoa học, song theo ông Bài, vấn đề này trước đây cũng đã được nghiên cứu rải rác từ trước. “Hai năm là thời gian bắt đầu có tiền nghiên cứu chứ còn cái này cũng đã 6 - 7 năm rồi. Việc xem xét có phục dựng không gian điện Kính Thiên hay không cũng đã quyết từ trước khi làm hồ sơ di sản thế giới rồi. Giờ duyệt thì có kinh phí để tập hợp tư liệu, các nghiên cứu làm tư liệu đưa lên. Việc này là để chính thức hóa thôi, chứ không phải là chỉ làm 2 năm”, ông nói. Mặc dù vậy, theo ông Bài, nếu có thể có thêm thời gian nghiên cứu thì tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.