Vài ngày trước, Chủ tịch kênh truyền hình thể thao ESPN, John Skipper đã có một phát ngôn gây tranh cãi trong giới game thủ:
“eSports không phải là thể thao. Nó chỉ nên được gọi là ‘cuộc tranh tài’ (competition). Đấu cờ (vua, tướng) là tranh tài. Các trò chơi cờ bàn cũng vậy. Tóm lại, tôi vẫn quan tâm đến những môn thể thao ‘thực thụ’ hơn”.
John Skipper, Chủ tịch đế chế truyền hình thể thao ESPN (Ảnh: Recode)
Dưới đây, Thanh Niên Game xin trích dịch lại ý kiến của C.Custer, biên tập viên trang tin game Singapore - Games in Asia - về vấn đề này:
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề “eSports có nên được gọi là thể thao hay không” được đem ra mổ xẻ. Tuy nhiên, lần này nó gây tranh cãi nhiều hơn khi xuất phát từ người đứng đầu kênh thể thao hàng đầu thế giới. Nó đã làm “dậy sóng” tranh cãi nhiều nơi, đặc biệt là các game thủ Trung Quốc, những người khá “cuồng” eSports.
Sự thật là, eSports được công nhận là thể thao chính thức bởi nhiều chính phủ, chủ yếu với mục đích cấp visa du đấu cho các vận động viên.
Nhưng chuyên xem xét eSports có được xem là thể thao hay không, nhìn từ tổng thể, phải phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa từ “thể thao” là như thế nào. Từ lý do này, hàng loạt cuộc tranh luận đã nổ ra, tranh cãi về các kiểu định nghĩa, và so sánh với những thứ khác vốn đã được gọi là “thể thao”.
Nhưng, tóm lại, câu hỏi đặt ra là: tranh cãi và xác định chính thức eSports là thể thao hay không, để làm gì? Các vận động viên eSports được chính thức công nhận là “vận động viên thể thao”, chỉ nhằm mục đích có được visa du đấu. Và đó là bối cảnh duy nhất cho việc định nghĩa eSports là thể thao (hoặc không) thực sự có ý nghĩa.
Thể thao điện tử là nơi để các game thủ tranh tài, thể hiện tài năng,
chứ không phải nơi để tranh cãi về những định nghĩa mang nặng tính "giấy tờ"
Những Dota 2, Liên minh huyền thoại, Counter strike… có được công nhận là “môn thể thao” hay không, chẳng ảnh hưởng gì đến việc các game thủ chơi và tận hưởng những thú vui từ những tựa game này. Nói cách khác, bạn vẫn có thể reo hò cùng The International 5 vào năm sau, cho dù Chủ tịch ESPN có phán nó “không phải là thể thao”. Và bạn hoàn toàn có thể chơi Liên minh huyền thoại như một game giải trí đơn thuần, cho dù bạn bè bạn nhất mực gọi đó là “bộ môn thể thao điện tử”. Tóm lại, xã hội và dư luận có công nhận eSports là thể thao hay không, chẳng quan trọng mấy.
Thay vì tốn thời gian làm “anh hùng bàn phím” tranh cãi cho ra lẽ chuyện “thể thao hay không thể thao”, có lẽ chúng ta nên dành thời gian cho những việc thiết thực hơn cho thể thao điện tử. Chẳng hạn như góp phần nâng cao uy tín của các giải đấu, cải thiện cái nhìn của xã hội với cộng đồng eSports, và dĩ nhiên, chúng ta cứ thỏa sức theo dõi theo những cuộc tranh đấu nảy lửa từ các vận động viên đỉnh cao.
Bạn xem LMHT là môn eSports cũng được, là game cũng được. Có ai cấm cản đâu?
Bản thân người viết (của Games in Asia) nghĩ thể thao điện tử sẽ phải triển nhanh và bền vững nếu chúng ta thôi tranh cãi vô bổ về định nghĩa này định nghịa nọ, thôi so sánh nó với những môn thể thao truyền thống. Thay vào đó, chúng ta tập trung vào việc góp sức thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, mà chẳng cần quan tâm kênh ESPN gọi nó là cái gì.
* Bài viết thể hiện quan điểm của C. Custer, biên tập viên trang Games in Asia
Bình luận (0)