Hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ được tổ chức vào cuối tuần qua tiếp tục cho thấy EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết tình trạng nhập cư ồ ạt vào khu vực này.
Cuộc biểu tình chống người nhập cư ở thủ đô Bratislava của Slovakia - Ảnh: AFP
|
Theo tờ Le Monde, tại thủ đô London của Anh, hàng chục ngàn người đã tuần hành vào ngày 12.9 để kêu gọi chính phủ “mở rộng vòng tay” hơn với người tị nạn. Đoàn tuần hành, với sự tham gia của tân lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, đã đi từ công viên Hyde Park ở trung tâm thành phố đến phủ thủ tướng.
Cùng ngày, tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, khoảng 30.000 người đã xuống đường biểu tình để ủng hộ người tị nạn. Chính phủ nước này vừa quyết định siết chặt các quy định về nhập cư, đồng thời bác bỏ đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc các nước EU sẽ chia nhau tiếp nhận 160.000 người tị nạn đang mắc kẹt tại các trung tâm tiếp nhận ở Ý, Hy Lạp, Hungary…
Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở khu vực Trung và Đông Âu lại căng thẳng hơn nhiều vì phần lớn đều nhằm phản đối người nhập cư và do các nhóm cực hữu tổ chức. Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, từ 5.000 -10.000 người đã xuống đường theo lời kêu gọi của tổ chức cực hữu ONR. Họ không ngừng hô khẩu hiệu phản đối người nhập cư và đưa những biểu ngữ như: “Hồi giáo sẽ là cái chết của châu Âu”. Tại thủ đô Bratislava của Slovakia, hàng ngàn người đã xuống đường để hưởng ứng chiến dịch chống “Hồi giáo hóa châu Âu” do đảng cực hữu LSNS phát động. Tại thủ đô Prague của CH Czech, một cuộc biểu tình rầm rộ cũng được tổ chức để phản đối người nhập cư và kêu gọi chính phủ rời khỏi EU.
Đáng chú ý là tại thủ đô Berlin của Đức, khác với 1 tuần trước đó, cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn không còn thu hút đông người tham gia mà chỉ quy tụ vài trăm người. Nguyên nhân là người dân nước này bắt đầu hoang mang với làn sóng di cư liên tục “vượt kỷ lục” sau khi chính phủ tuyên bố mở rộng cửa hơn với người tị nạn. Cụ thể, chỉ trong ngày 12.9, thành phố Munich (bang Bavaria) đã đón nhận 12.200 người nhập cư.
Bavaria là địa phương “đầu sóng ngọn gió” của Đức trong việc đón tiếp người tị nạn vào châu Âu qua khu vực Balkan. Le Monde dẫn lời một phát ngôn viên cảnh sát cho biết thành phố này đã ở “đỉnh điểm giới hạn” và hiện chỉ có thể nhanh chóng đưa người tị nạn đến các thành phố khác của Đức để có chỗ đón tiếp những người sắp đến. Thị trưởng Munich Dieter Reiter cũng thừa nhận: “Nếu tình hình cứ tiếp tục như hiện tại thì chúng tôi không biết phải làm thế nào với người nhập cư”.
Cuộc khủng hoảng nhập cư cũng khiến các chính trị gia EU không ngừng “lời qua tiếng lại”. Ngày 13.9, AFP dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt nhận định: “Khả năng của chúng tôi đã đến giới hạn và các nước khác cần hiểu điều đó”. Ông Dobrindt cũng cho rằng EU đã “thất bại hoàn toàn” trong việc kiểm soát biên giới của các quốc gia thành viên. Cùng ngày, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã chỉ trích người đồng cấp Hungary Viktor Orban là “hành động vô trách nhiệm khi cho rằng tất cả người tị nạn hiện tại đều di cư vì mục đích kinh tế”.
Hôm nay 14.9, một hội nghị bất thường của các bộ trưởng nội vụ EU sẽ được tổ chức tại thủ đô Brussels của Bỉ để tìm cách hóa giải bất đồng giữa các nước trong khu vực về vấn đề nhập cư.
Bình luận (0)