Vì sao người tị nạn Syria rời Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Âu?

13/09/2015 08:34 GMT+7

(TNO) Thủ tướng Hungary tuần trước đã kêu gọi người tị nạn nên ở lại Thổ Nhĩ Kỳ và không nên vượt biên đến Tây Âu. Tuy nhiên, người Syria gặp nhiều thiếu thốn tại Thổ Nhĩ Kỳ nên muốn đến đất hứa châu Âu.

(TNO) Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban cho rằng người tị nạn Syria không nên vượt biên sang nước ông để đến Tây Âu: “Thổ Nhĩ Kỳ là nước an toàn. Hãy ở lại đó”. Tuy nhiên, người tị nạn Syria không màng đến lời ông, bởi tại Thổ Nhĩ Kỳ họ không được phép làm việc và đối mặt với nhiều thiếu thốn trong cuộc sống.

Người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ phải sống cuộc sống thiếu thốn - Ảnh: Reuters
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã rất rộng lượng khi tiếp nhận khoảng 2 triệu người Syria. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chu cấp cho người Syria với chi phí đến hàng tỉ USD trong 4 năm qua. Nhưng tình hình vẫn rất bấp bênh, theo hãng thông tấn Đức DPA ngày 5.9.
“Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Syria chỉ được bảo vệ tạm thời. Thổ Nhĩ Kỳ cho phép họ ở lại nhưng không cho họ chút an ninh nào”, luật sư Mustafa Rollas làm việc cho Hiệp hội nhân quyền (IHD) tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Ông Rollas nói rằng nhiều người Syria rất sợ hãi vì họ không có được sự hợp thức của một người tị nạn và có thể bị trả về quê hương, nơi chiến tranh vẫn đang xảy ra.
Hơn 240.000 người đã thiệt mạng tại Syria kể từ khi xung đột bắt đầu hồi tháng 3.2011. Sau hàng tháng trời, các nhóm quân nổi dậy lớn mạnh và giờ đây là các nhóm Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tràn ra khắp lãnh thổ đất nước. Chiến tranh càng kéo dài thì càng nhiều người phải bỏ nhà cửa ra đi.
“Syria là một trong những nước thảm họa về vấn đề nhân đạo”, nhà nghiên cứu Andrew Gardner của tổ chức Ân xá quốc tế đánh giá. Tuy nhiên mọi điều chỉ tốt lên đôi chút cho những người rời nước và đến được Thổ Nhĩ Kỳ. Những tiêu chuẩn sống cho người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ là rất tồi tệ, ông Gardner nhận định.
Họ tìm cách vượt biển đến châu Âu mặc cho những nguy hiểm, thậm chí mất mạng - Ảnh: Reuters
Thiếu từ lương thực, chỗ ở đến việc làm
Các trại tị nạn chỉ chứa khoảng 10% người Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ. Số còn lại sống rải rác, khoảng 10% là người vô gia cư trong khi số khác sống tạm bợ tại các khu lán trại thiếu vệ sinh.
Những đường phố miền nam và miền tây dọc theo biển Địa Trung Hải, nơi những con thuyền bắt đầu đến châu Âu, đầy rẫy người tị nạn.
“Họ sẽ là những người tiếp theo bị đuối nước và sẽ được tìm thấy tại bờ biển”, ông Rollas cảnh báo.
Ông Gardner chỉ ra nhiều vấn đề mấu chốt mà người tị nạn phải đối mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và lý giải vì sao họ lại muốn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. “Vấn đề khó khăn nhất là mọi người sống phụ thuộc vào nguồn từ thiện và không đủ tiền để chuẩn bị cho những bữa ăn sắp tới”.
Về mặt pháp lý, người Syria không được phép làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này buộc họ tìm đến thị trường chợ đen.
“Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều người làm những công việc tồi tệ nhất vì những đồng lương ít ỏi, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 lương của người Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi cũng gặp nhiều người không thể tìm nổi một công việc”, ông Gardner nói.
Nhà nghiên cứu này lo ngại những người tị nạn có thể bị nhóm buôn người bóc lột và đối mặt với nguy hiểm, thậm chí mất mạng ngoài biển xa khi cố đến được châu Âu.
Ông Gardner cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ người tị nạn là cho họ một cuộc sống xứng đáng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên theo ông, châu Âu và các nước phương Tây khác cũng cần san sẻ bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng.
Điều đó có thể là giúp đỡ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon, cùng tiếp nhận khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria. Thậm chí Iraq, đang trong cuộc chiến với IS, cũng đã tiếp nhận 250.000 người tị nạn từ nước hàng xóm Syria. Ngoài ra, các nước phát triển cũng nên rộng lòng trong việc giúp đỡ và tái định cư, tái xây dựng cuộc sống cho người tị nạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.