Kế hoạch này sẽ được công bố trong ngày 30.11. Cụ thể, Uỷ ban Châu Âu (EC) đề xuất lập quỹ dành cho quốc phòng, tìm cách cho phép các ngân hàng đầu tư và ngân sách chung của EU chi tiền vào các dự án nghiên cứu quân sự, theo Reuters.
Các nước trong khối có thể đóng góp hoặc vay tiền từ quỹ chung dành cho quốc phòng theo đề xuất mới. Nếu quỹ này được thành lập, EU sẽ luôn được đảm bảo có nguồn ngân sách để chi cho các chương trình quốc phòng chung của khối, bao gồm cả an ninh mạng và các khí tài quân sự như trực thăng hay máy bay không người lái.
Nếu chính phủ các nước đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm Ngân hàng đầu tư châu Âu rót tiền vào các dự án quân sự thì ngân hàng này có thể là nhà tài trợ cho quỹ chung nói trên. Quỹ này dự kiến được thành lập vào năm 2017 với quy mô nhỏ.
Theo Reuters, EC hiện kiểm soát ngân sách chung của EU với khoảng 150 tỉ euro (160 tỉ USD) mỗi năm. Các nước lớn như Pháp và Đức cho rằng đây là thời điểm để sử dụng nguồn vốn này cho nghiên cứu quân sự.
tin liên quan
Tổng thư ký NATO cảnh báo Mỹ và EU không nên chia rẽ'Tự chọn cho mình lối đi riêng không phải lựa chọn tốt vào lúc này đối với cả EU và Mỹ', Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo trong một bài viết trên tờ The Guardian.
Chi tiêu của EU cho việc nghiên cứu quốc phòng đã giảm đến 1/3 kể từ năm 2006, khiến các nước này hầu như phụ thuộc vào các khí tài quân sự hiện đại của Mỹ. Pháp và Đức hiện vẫn dựa vào các máy bay vận tải quân sự lỗi thời, một số trực thăng hải quân thậm chí bị ngưng sử dụng vì lỗi kỹ thuật do quá cũ kỹ.
Hai nước này cho rằng việc chia sẻ nguồn lực có thể là cách duy nhất để duy trì một lực lượng quân sự tương thích. Các quan chức EU lấy ví dụ về trường hợp của công ty MBDA (thành lập năm 2001) liên doanh giữa 3 nước Pháp, Ý và Anh. MBDA được đánh giá là công ty duy nhất của châu Âu có khả năng thiết kế và sản xuất các hệ thống tên lửa đẳng cấp thế giới.
Một lý do khác để các quan chức châu Âu sốt sắng về việc thành lập quỹ quốc phòng chung là vì Anh sắp rời khỏi EU, trong khi Anh là một trong những nước đóng góp lớn nhất vào ngân sách của EU.
Ngoài ra, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng khiến EU lo ngại và phải tính đến biện pháp tự bảo vệ an ninh của mình, giữa thời điểm căng thẳng quan hệ với Nga. Ông Trump không loại trừ khả năng rút Mỹ khỏi NATO. Trong quá trình tranh cử, ông Trump chỉ trích các nước NATO chi quá ít cho quốc phòng và đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên tiếp tục bảo vệ đồng minh nữa hay không.
Bình luận (0)