Reuters đưa tin ECDC đã nâng cảnh báo rủi ro xuất hiện những trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ cục bộ trong Liên minh châu Âu (EU) từ mức "thấp" lên "trung bình". Giám đốc ECDC Pamela Rendi Wagner cho biết: "Do mối liên kết chặt chẽ giữa châu Âu và châu Phi, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm chủng Clade I hơn".
Trước đó vào ngày 15.8, Thụy Điển đã ghi nhận một trường hợp mắc đậu mùa khỉ chủng vi rút Clade Ib, vốn đang lây lan mạnh tại CHDC Congo. Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận chủng vi rút này xuất hiện bên ngoài châu Phi.
Trang Euronews cho hay ECDC đề cập khả năng lây truyền kéo dài ở châu Âu vẫn ở mức rất thấp nếu các trường hợp mắc bệnh được chẩn đoán và kiểm soát nhanh chóng. Những người EU có nguy cơ lây nhiễm cao nếu từng du lịch đến vùng dịch và tiếp xúc với cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14.8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) với dịch đậu mùa khỉ liên quan đợt bùng phát ở CHDC Congo và các nước lân cận. Quan chức WHO Margaret Harris ngày 16.8 nói rằng có thể sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm bên ngoài châu Phi hơn, một phần đến từ việc các nước tăng cường giám sát. Hiện WHO khuyến cáo không nên áp dụng lệnh hạn chế đi lại.
WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ
Hiện chủng Clade I và nhánh phụ Clade Ib đang lưu hành phổ biến tại châu Phi, có độc lực và nguy cơ gây tử vong cao hơn chủng Clade II, vốn là tác nhân gây ra đợt bùng phát đậu mùa khỉ vào năm 2022.
Một quan chức Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nói rằng cần chuyển giao nhiều dụng cụ chẩn đoán, điều trị và vaccine đến châu Phi nhằm ứng phó với tình trạng đậu mùa khỉ lây lan. Người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) cho hay họ có nguồn quỹ lên đến 500 triệu USD để chi cho việc tiêm chủng cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát ở châu Phi.
Bình luận (0)