EU chưa hết đau đầu và bực bội, khó chịu và khó xử với Hungary thì nay lại thêm với Ba Lan.
Người dân thắp nến bên ngoài trụ sở Tòa án hiến pháp ở Warsaw (Ba Lan) - Ảnh: Reuters |
Cả hai thành viên này đang làm khó EU vào thời điểm liên minh khốn khó bởi nhiều vấn đề nan giải và thách thức lớn.
Vấn đề mắc mớ ở đây không phải là bất đồng quan điểm về biện pháp cụ thể này hay chính sách lớn kia, mà về hệ quan điểm và giá trị mang tính nguyên tắc đối với EU là dân chủ và nhà nước pháp quyền. Sau Hungary giờ đến lượt Ba Lan công khai bất chấp EU trên chính những phương diện mà khi xưa cả hai phải đáp ứng để được kết nạp.
Sau khi thắng cử ở cả cuộc bầu cử tổng thống lẫn bầu cử quốc hội ở Ba Lan, đảng Luật pháp và công bằng (PiS) trở lại cầm quyền và ngay lập tức tiến hành sửa luật cũ hoặc ban hành luật mới để tước bỏ quyền lực của cả bộ máy công quyền lẫn hệ thống tư pháp, kể cả tòa án cấp cao nhất và quyền uy nhất là tòa án hiến pháp.
EU đề cao “tam quyền phân lập” và coi đó là biểu hiện đặc trưng nhất cho dân chủ thì chính phủ mới ở Ba Lan đang thực thi chủ định tập trung mọi quyền lực cao nhất vào đảng cầm quyền. EU chống độc tài chính trị và quyền lực bao nhiêu thì bây giờ phải chứng kiến Ba Lan đang hướng tới tình trạng, mà theo EU, chỉ có thể là độc tài thực sự trong cái vỏ bọc dân chủ.
Thời trước, chỉ mình Hungary gây khó cho EU, nay có thêm Ba Lan nữa thì cái khó càng tăng và càng khó khắc phục. Bất đồng quan điểm trong nội bộ về đường lối chính sách chỉ cản trở sự phát triển của EU, còn bất đồng quan điểm về hệ giá trị có thể đe dọa cả số phận của EU.
Bình luận (0)