EU vẫn im lặng về phán quyết vụ kiện Biển Đông

14/07/2016 21:25 GMT+7

Chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) không thể ra tuyên bố chung về phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA). Điều này thể hiện những bất ổn nội bộ của họ, theo Reuters.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 18, tổ chức tại Bắc Kinh từ 12 tới 13.7, các thành viên EU vẫn không đưa ra được quan điểm chung của họ về phán quyết về vụ kiện Biển Đông của PCA vừa công bố ngày 12.7.

Reuters ngày 14.7 nhận xét đây là động thái cho thấy EU sợ làm phật ý Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của liên minh này, đồng thời chính nội bộ EU cũng bị cản trở vì một vụ kiện tương tự giữa các thành viên trong khối.

Phán quyết của PCA ngày 12.7 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố quyền lịch sử trên các vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông. Bắc Kinh đã lập tức phản ứng, bác bỏ quyền tài phán của PCA, bất chấp dư luận quốc tế yêu cầu tôn trọng phán quyết ấy. Trong đó Mỹ cũng gây áp lực để EU đưa ra tuyên bố về vấn đề này.

EU cho biết họ không đóng vai trò gì trong cuộc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Ở vụ kiện trên, Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và kinh tế của họ, vốn được phán quyết của PCA ủng hộ dựa trên Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Mặc dù cho rằng vẫn lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, và nói rằng “muốn thấy luật pháp quốc tế được bảo vệ”, nhưng EU không đề cập tới UNCLOS.

Đây có thể là điều xuất phát từ một vụ tranh chấp hàng hải trước đó giữa các thành viên EU là Slovenia và Croatia. Khi ấy Croatia đã rút khỏi tiến trình giải quyết của một phiên tòa PCA năm 2015, và hiện không muốn đề cập tới UNCLOS trong tuyên bố chung. Việc này khiến các thành viên “thất vọng”, vì EU cần phải có một lập trường chung trước khi tham gia hội nghị thượng đỉnh với ASEAN tại Mông Cổ dự kiến bắt đầu từ ngày 15 tới 16.7.

“Chúng tôi có thể nói rằng phán quyết của một tòa án quốc tế nên được tôn trọng. Điều này không phải là tìm ra ai là người có lỗi”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên trong cuộc họp.

Nhà ngoại giao này cũng nói rằng Anh và Pháp trước đây là những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất trong các cuộc kêu gọi Trung Quốc không có hành động khiến căng thẳng trong khu vực leo thang. Tuy nhiên, phía Anh đã mất đi nhiều sức ảnh hưởng trong EU sau khi nội bộ nước này đã thống nhất phương án rời EU từ cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng 6 về Brexit.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.