EU xây boong ke chống gián điệp cực kỳ bảo mật để họp tại Bỉ?

Khánh An
Khánh An
10/07/2022 09:20 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) dường như đang xây một căn phòng cực kỳ bảo mật để họp nhằm đề phòng bị gián điệp các nước nghe lén.

Những phòng họp hiện nay của EU bị cho là chưa đủ bảo mật

eu

Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư 8 triệu euro xây một boong ke tại Bỉ để các nhà lãnh đạo họp bảo mật, không lo bị nghe lén bởi gián điệp các nước, theo một văn bản của EU về dự án mà trang EUobserver có được.

Theo đó, căn phòng này sẽ có thể chứa khoảng 100 người, gồm 34 nhà lãnh đạo, 34 nhân viên ghi chép và những nhân viên kỹ thuật, hậu cần khác.

EU hiện có 27 thành viên, nhưng có thể mở rộng trong tương lai. Ngoài ra, căn phòng bảo mật cũng sẽ được sử dụng cho các cuộc họp cấp thấp hơn bởi các đại sứ và quan chức cấp cao EU.

Căn phòng này sẽ không kết nối mạng, nhưng được trang bị công nghệ hội nghị màn ảnh lớn và micro kết nối đến những gian phòng bảo mật cho 30 phiên dịch viên.

Phòng họp và phòng cho phiên dịch viên sẽ khép kín theo tiêu chuẩn NATO, với sóng điện từ và vô tuyến do các màn hình và dây dẫn sẽ không thể nhận được từ bên ngoài.

Bất cứ ai vào bên trong, kể cả nhân viên vệ sinh, phải đáp ứng tiêu chuẩn “Secret EU” – cấp độ 2 về bảo mật của EU - và phải có lý do chính đáng.

Các nhà lãnh đạo và nhân viên EU còn không được mang theo điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh, chìa khóa điện tử và thậm chí thiết bị trợ thính, mà phải để trong những ngăn tủ cách âm bên ngoài căn phòng.

Cơ sở này sẽ được xây trước năm 2024 tại khu vực của Hội đồng châu Âu ở Bỉ, nơi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh. Vị trí chính xác chưa được xác định, nhưng các quan chức đang tìm một nơi gần phòng họp thượng đỉnh EU thông thường để các nhà lãnh đạo có thể đi lại dễ dàng.

Tuy nhiên, một nguồn tin an ninh Bỉ cho biết sự tinh vi của những phần mềm gián điệp khiến nó rất dễ che giấu. Nguồn tin này kể rằng có một số ngôi nhà trống cạnh một căn cứ NATO ở Bỉ, nơi các cơ quan tình báo của những nước thành viên diễn tập về thiết bị nghe lén.

“Một nhóm có 24 giờ để đặt các thiết bị và nhóm khác có 24 giờ để tìm kiếm và tháo gỡ. Những nhân viên tình báo Estonia giỏi nhất trong việc phát hiện, nhưng chưa ai từng tìm ra tất cả thiết bị”, nguồn tin này kể.

Trong một diễn biến khác, Đài ABC ngày 10.7 đưa tin các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đang kêu gọi Quốc hội Bắc Macedonia chấp nhận đề xuất của Pháp về việc gia nhập EU.

Theo thông cáo chung của quan chức đại diện ngoại giao EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, việc Bắc Macedonia gia nhập EU sẽ củng cố việc gắn kết trong toàn châu lục.

Bắc Macedonia là ứng viên gia nhập EU trong 17 năm qua. Quốc gia vùng Balkan này đã được bật đèn xanh để đối thoại về việc gia nhập vào năm 2020, nhưng vẫn chưa xác định ngày bắt đầu đàm phán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.