(Tin Nóng) Hiện nay Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam nhiều hơn với Indonesia, từ thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng đến khoa học hạt nhân, theo nhà báo Veeramalla Anjaiah (Jakarta, Indonesia) viết trên Eurasiareview ngày 27.3.
|
Nhà báo Veeramalla Anjaiah viết rằng sau 20 năm củng cố quan hệ kinh tế và chính trị, Việt Nam và Mỹ nay đang bắt tay vào việc xây dựng quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực mới như thực thi pháp luật, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải và an ninh mạng.
Năm nay, cả hai nước Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mới đây Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thăm Mỹ và đã gặp gỡ một số quan chức cấp cao của chính phủ, trong đó có Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain.
Về cơ bản, mục đích chính của chuyến thăm là để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện hiện nay giữa hai nước và tìm thêm hợp tác trong các lĩnh vực mới. Hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện năm 2013. Indonesia đã ký thỏa thuận tương tự với Mỹ năm 2010.
Trong buổi gặp Bộ trưởng Johnson, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã thảo luận về khả năng hợp tác trong việc thực thi pháp luật, chia sẻ thông tin, về các mối đe dọa xuyên quốc gia, buôn người, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh hàng hải và không gian mạng. Bộ trưởng Quang cũng đã ký một thư thỏa thuận với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về việc chuyển nhượng phần mềm phân tích ADN.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã ném hơn 7 triệu tấn bom xuống đây và hơn ba triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến này. Nhưng ngày nay người Mỹ và người Việt Nam là những người bạn tốt và hai nước nhanh chóng trở thành đối tác chiến lược. Có thể thấy ngày nay các cửa hàng Starbucks, McDonald’s, CFC đang xuất hiện ở các thị trấn và thành phố lớn của Việt Nam.
Có lẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả về kinh tế và quân sự, đã dẫn đến sự ra đời của các mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ. Indonesia, một nước lớn và có tầm quan trọng trong ASEAN, có mối quan hệ khá tốt với siêu cường Mỹ. Nhưng bây giờ Việt Nam đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực, vượt qua các đồng minh truyền thống của Mỹ gồm Philippines và Thái Lan.
Việt Nam cho biết lợi ích kinh tế và địa chính trị là những lý do chính đằng sau các mối quan hệ phát triển nhanh chóng với Mỹ; trong khi Mỹ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược trong chính sách xoay trục về châu Á.
Nhà báo Veeramalla Anjaiah viết rằng Indonesia có quan hệ với Mỹ lâu hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng vì sao Mỹ bây giờ quan tâm Việt Nam hơn Indonesia, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh và thậm chí cả trong lĩnh vực khoa học hạt nhân?
Mặc dù có dân số đông, tầng lớp trung lưu nhiều, Indonesia đã không gặt hái được nhiều từ mối quan hệ Mỹ - ASEAN đang phát triển nhanh chóng. Thương mại song phương Mỹ - Indonesia đã không có sự tăng trưởng đáng kể khi chỉ ở mức 23 - 27 tỉ USD/năm trong 5 năm qua. Số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương cho thấy thương mại song phương của Indonesia với Mỹ ở mức 24,7 tỉ USD trong năm 2014, gần bằng năm 2013. Xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ đã giảm kể từ năm 2010 do các chính sách, chiến lược sai lầm và sự sụt giảm mạnh của giá hàng hoá.
Mặc dù các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Indonesia, họ không muốn đầu tư nhiều vào Indonesia do gặp nhiều vấn đề khác nhau, từ pháp luật, tham nhũng, thuế khoá, các vấn đề về lao động và thu hồi đất.
Trong khi đó, trong 5 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, từ 14,2 tỉ USD năm 2010 lên 36,3 tỉ USD năm 2014. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu lớn nhất của ASEAN vào Mỹ, với 30,58 tỉ USD năm 2014, theo Cục Thống kê Mỹ.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN với Mỹ, sau Singapore (46,99 tỉ USD), Malaysia (43,57 tỉ USD), Thái Lan (38,91 tỉ USD). Còn Indonesia xếp thứ 5.
Với chi phí lao động thấp, nhiều tài nguyên, cải cách kinh tế và chính trị sâu sắc, ưu đãi cho các nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng tương đối tốt hơn, Việt Nam đã trở thành một nơi thu hút các nhà sản xuất nước ngoài trong những năm gần đây.
Nhiều tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Ford, Apple, Intel và General Electrics đầu tư mạnh vào Việt Nam. Samsung của Hàn Quốc nhận thấy Việt Nam là nơi đáng đầu tư hơn Indonesia và đã rót vào 11 tỉ USD trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam trong hai năm qua. Có lẽ Indonesia, với lĩnh vực sản xuất đang trong tình trạng xấu, có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam.
|
Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình để trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tiếp nhận kiến thức hạt nhân từ Mỹ. Mỹ đã đồng ý cung cấp công nghệ hạt nhân để Việt Nam xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trong tương lai gần.
Phù hợp với quan hệ hữu nghị ngày càng tăng giữa hai nước, chính phủ của Tổng thống Barack Obama gần đây đã nới lỏng lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam cũng đang yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, khi tình hình căng thẳng trong tranh chấp trên Biển Đông với nước láng giềng Trung Quốc chưa lắng dịu.
Năm nay sẽ có 2 chuyến thăm quan trọng. Đầu tiên là chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, để định hình lại các mối quan hệ song phương và mở đường cho quan hệ đối tác chiến lược vốn đang được chờ đợi.
Thêm một bước ngoặt trong quan hệ hai nước khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam sẽ dễ dàng đạt mức 100 tỉ USD trong 2-3 năm. Và khi đó ngày càng có nhiều khoản đầu tư sẽ đổ vào Việt Nam không chỉ từ Mỹ mà còn từ các nước thành viên TPP khác.
Anh Sơn
>> Máy bay P-8 Mỹ theo dõi tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông
>> Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt: 3 nơi đáng sống với người Mỹ về hưu
>> Báo Trung Quốc nóng mặt nói Mỹ là kẻ xúi bậy ở Biển Đông
>> Giải mật sổ tay hướng dẫn phi công Mỹ đánh cắp máy bay MiG
>> Mỹ sắp giao 6 tàu tuần tra cao tốc cho Cảnh sát biển Việt Nam
>> Hải quân Mỹ đề nghị hỗ trợ ASEAN tuần tra chung ở Biển Đông
>> Những bí ẩn không lời giải của Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam
>> Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm tàu sân bay George Washington
Bình luận (0)