Theo Reuters, chương trình kích thích tài chính trị giá 2.550 tỉ EUR của châu Âu đã kéo dài trong ba năm. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần thứ nhì trong năm nay và phát tín hiệu rằng sẽ có hai đợt tăng lãi suất nữa, các loại tài sản rủi ro hơn chịu cú sốc đúp. Thời gian qua, các loại tài sản này tăng giá vì điều kiện cho vay siêu rẻ tồn tại ở Mỹ và châu Âu.
Tất cả các ngành trên chỉ số European STOXX 600 đều nằm trong vùng tiêu cực. Các cổ phiếu tài nguyên cơ bản dẫn đầu đà giảm giá chứng khoán với mức giảm 1,3 sau khi Trung Quốc công bố số liệu tiêu thụ kim loại yếu.
USD tăng giá sau bước đi của Fed, sau đó có giảm dần tại châu Á và hiện vẫn giảm giá trong bối cảnh euro lên cao, vượt mức 1,182 USD đổi được 1 EUR trước khi ECB nhóm họp. Lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng tăng với Germany Bund đạt 0,49%. Trong khi đó, trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống 2,96% sau khi tăng nhẹ lên 3%.
Chuyên gia Kully Samra, giám đốc quản lý khu vực châu Âu tại hãng quản lý tài sản Charles Schwab, cho hay ECB có lẽ quá chậm trong việc giảm kích thích, dù số liệu yếu hơn trong thời gian gần đây cho thấy châu Âu đang có nhiều vấn đề cơ bản. Tại châu Á, doanh số bán lẻ và số liệu đầu tư Trung Quốc yếu đáng ngạc nhiên cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ nguyên lãi suất thay vì theo Fed như mọi khi.
Chỉ số bao quát MSCI châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm 1%. Cổ phiếu ở Hàn Quốc, Đài Loan giảm hơn 1%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,6%. Ở Đại lục, Shanghai Composite hạ 0,4% xuống mức thấp nhất 20 tháng.
Rắc rối lớn nhất với ECB lúc này có thể là triển vọng kinh tế ngày càng không rõ ràng. Lục địa già phải đối mặt với cuộc chiến thương mại đang dâng cao với Mỹ, thách thức từ chủ nghĩa dân túy của chính phủ mới tại Ý và nhu cầu xuất khẩu giảm.
Bình luận (0)