"BẤT NGỜ ĐAN MẠCH" HAY HƠN "BẤT NGỜ HY LẠP"
Họ đều bị đánh giá là "không có hy vọng gì" trước khi cuộc chơi bắt đầu. Khác biệt ở chỗ: số đông những người yêu bóng đá đẹp ngán ngẩm về chức vô địch EURO 2004 của Hy Lạp. Các đối thủ được cho là mạnh hơn đều bó tay trước lối chơi nặng về phòng thủ của Hy Lạp. Pháp, CH Czech hoặc Bồ Đào Nha đều thua, hơn là Hy Lạp thắng. Ngược lại, không có đường nét "tiêu cực" nào trong lối chơi của Đan Mạch. Họ thắng, hơn là các "đại gia" thua. Thú vị ở chỗ Đan Mạch vô địch EURO 1992 trong khi lẽ ra họ còn không được dự giải!
Ở vòng loại, Đan Mạch về nhì sau Nam Tư, trong bối cảnh mỗi bảng chỉ chọn 1 đội vào VCK. Thế nhưng Nam Tư bị cấm vận vì chiến tranh và UEFA mời Đan Mạch thế chỗ, ở thời điểm chỉ 10 ngày trước khi VCK bắt đầu.
Chi tiết hoang đường: các tuyển thủ Đan Mạch gấp rút trở về từ các… bãi biển khi đang du hí khắp nơi, phải mượn trang phục của đội U.21, để rồi lên ngôi vô địch châu Âu. Đại khái, báo giới đã phóng bút như thế cho câu chuyện thêm phần sinh động! Thực tế không phải như vậy. Giải vô địch Đan Mạch vẫn chưa kết thúc khi đội tuyển nước này được mời thay chỗ Nam Tư dự VCK EURO (2/3 thành phần đội tuyển Đan Mạch thi đấu trong nước). Vả lại, trước khi biết chuyện sẽ dự EURO thì Đan Mạch cũng đã tập trung đội tuyển để chuẩn bị đá giao hữu. Còn chuyện trang phục thi đấu thì dĩ nhiên nhà tài trợ không kịp sản xuất mẫu quần áo mới. Các tuyển thủ Đan Mạch trông có vẻ không được thoải mái trong trang phục khá chật ở trận ra quân vì đấy quả là trang phục mượn từ đội trẻ Đan Mạch (cũng thi đấu ở đâu đó trong mùa hè 1992). Bộ đồ mới chỉ được gửi đến từ giữa vòng bảng trở đi.
Michael Laudrup là ngôi sao lớn duy nhất của bóng đá Đan Mạch ở thời điểm ấy, nhưng anh quay lưng với đội tuyển vì bất đồng quan điểm với HLV Richard Moeller-Nielsen. Còn lại, chỉ có Brian Laudrup (Bayern Munich) và Peter Schmeichel (M.U) là đáng kể. Đan Mạch quả không có nhiều ngôi sao, nhưng đấy là một đội bóng thực sự, rất gắn bó và HLV Moeller-Nielsen có chiến thuật tuyệt vời.
THUYẾT PHỤC VÀ ĐẦY CẢM XÚC
Thật ra, Đan Mạch chỉ thua Nam Tư 1 điểm và họ từng thắng trên sân Nam Tư ở vòng loại. Trong các bảng còn lại ở vòng loại EURO 1992, chỉ có đội Pháp nhiều điểm hơn Đan Mạch. Có nghĩa, Đan Mạch may mắn được dự VCK vào giờ chót, nhưng họ không là đội "lót đường". Vào giải, Đan Mạch hòa Anh 0-0 ở trận đầu tiên. Thủ môn Peter Schmeichel kể lại: "Không khí trong phòng thay đồ sau trận buồn như… đám tang". Nguyên nhân: các cầu thủ Đan Mạch đều nghĩ họ đá hay hơn và không thể tin rằng họ đã để vuột chiến thắng!
Đội Anh của Gary Lineker và David Platt ngay trước đó đã vào bán kết World Cup 1990, chỉ thua Đức ở loạt sút luân lưu 11 m. Người ta vẫn xem đấy là kỳ World Cup hay nhất của bóng đá Anh trong kỷ nguyên hiện đại. Vậy mà Schmeichel và đồng đội phải buồn bã vì không thắng được đối thủ ấy!
Các đối thủ còn lại, trong hành trình lên ngôi vô địch của Đan Mạch, đều "dữ dội". Thụy Điển là đội chủ nhà. Pháp có Jean-Pierre Papin đang giữ "Quả bóng vàng châu Âu", cùng các tượng đài như Eric Cantona, Laurent Blanc. Đan Mạch đã thắng đối thủ này ở trận đấu khép lại vòng bảng, để cùng Thụy Điển đi tiếp. Vào bán kết, Đan Mạch gặp ĐKVĐ Hà Lan. Với Marco Van Basten (đoạt "Quả bóng vàng" lần thứ 3 vào cuối năm ấy), Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Ronald Koeman đều ở đỉnh cao phong độ, lại có thêm ngôi sao mới Dennis Bergkamp, xem ra Hà Lan còn mạnh hơn lúc họ vô địch EURO 1988. Hòa 2-2 trong tình thế luôn dẫn trước, Đan Mạch vượt qua Hà Lan ở loạt sút luân lưu 11 m. Schmeichel bắt được cú sút của Van Basten.
Đối thủ cuối cùng chính là đội Đức - ĐKVĐ World Cup, và là đội bóng mà Franz Beckenbauer nói rằng ông không tưởng tượng nổi là sẽ mạnh đến mức độ nào! Sau khi Beckenbauer dẫn dắt Tây Đức lên ngôi vô địch World Cup 1990 thì nước Đức thống nhất. Họ có thêm những cầu thủ giỏi đến từ Đông Đức, như Matthias Sammer, Thomas Doll hoặc Andreas Thom.
Hai lần trong hành trình chinh phục EURO 1992, trụ cột Kim Vilfort của Đan Mạch phải về nước để thăm con gái bị bệnh hiểm nghèo. Con gái Vilfort nói rằng cô muốn thấy bố trở lại thi đấu. Không những trở lại, Vilfort còn ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0, trong một trận chung kết mà Đan Mạch chơi hay hơn Đức một cách rõ ràng. Con gái anh qua đời không lâu sau đó. Cảm xúc càng làm cho chiến thắng thuyết phục của Kim Vilfort và các đồng đội tại EURO 1992 thêm phần tuyệt vời. (còn tiếp)
GIẢI ĐẤU CỦA NHỮNG "LẦN CUỐI"
Sau khi vượt qua vòng loại và trước khi dự VCK EURO 1992 thì Liên Xô tan rã. Đội này dự giải lần cuối với tên gọi CIS. Sau đó, các cầu thủ "ra riêng" với ĐTQG mới của họ: Oleg Kuznetsov khoác áo Ukraine; Kakhaber Tskhadadze khoác áo Georgia; Sergei Yuran khoác áo Nga…
Tuy nhiên, những chi tiết mang tính "cuối cùng" đáng chú ý nhất của EURO 1992 thuộc về luật lệ. Hàng loạt thay đổi lớn về luật, mang tính cách mạng trong môn bóng đá, đã được quyết định, với EURO 1992 là giải đấu cuối cùng áp dụng luật cũ. Đáng chú ý nhất trong luật mới: cấm thủ môn dùng tay bắt bóng khi đồng đội dùng chân chuyền về; cầu thủ tấn công không bị xử việt vị khi đứng ngang với hậu vệ cuối cùng…
Một thay đổi khác tuy không phải là luật nhưng hầu như giải nào cũng thấy hay và lập tức đưa vào điều lệ riêng của mình: tính điểm 3 cho một trận thắng và giữ nguyên điểm 1 cho kết quả hòa. Bóng đá đỉnh cao trở nên khác hẳn với những thay đổi vừa nêu.
EURO 1992 cũng là lần cuối cùng VCK có 8 đội. Giải này sau đó đã tăng lên 16, rồi 24 đội ở VCK.
Bình luận (0)