EVN sẽ về đích sớm mục tiêu chuyển đổi số

21/12/2020 15:53 GMT+7

Nhân dịp 66 năm ngày truyền thống ngành điện (21.12.1954), ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) đã chia sẻ xung quanh câu chuyện chuyển đổi số của tập đoàn.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm (người cầm bằng khen) đại diện EVN nhận Giải thưởng Doanh nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc 2020

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm (người cầm bằng khen) đại diện EVN nhận Giải thưởng Doanh nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc 2020

Ảnh: EVN

Văn phòng không giấy tờ

Năm 2020 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia. Được biết EVN cũng đã có hẳn nghị quyết về vấn đề này. Vậy đến nay, việc chuyển số đã có những kết quả gì, thưa ông?
Ông Võ Quang Lâm: Việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh được Đảng bộ EVN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo. Đảng ủy EVN đã có Nghị quyết 11 năm 2017, mục tiêu đã đề ra là đến 2030 hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng phải đạt trình độ tiên tiến thế giới.
Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị tư vấn độc lập, đến nay EVN đã hoàn thành trên 50% công việc theo lộ trình chuyển đổi số. Và kế hoạch mới nhất, EVN đặt mục tiêu đến 2022, cơ bản hoàn thành chuyển đối số, cơ bản hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0. Nghĩa là nhiều khả năng, chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số sớm hơn nhiều so với nghị quyết ban đầu đặt ra cũng như yêu cầu của Chính phủ.
Ông có thể điểm qua những kết quả cụ thể cho thấy chuyển đổi số đã thực sự tác động nhiều mặt đến hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh của EVN?
EVN thuộc một trong những đơn vị tiên phong trên cả nước đã triển khai văn phòng điện tử (E-Office) và hiện 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc. EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn Tập đoàn với kết quả hiện tại là hầu hết văn bản trong Tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử, trừ văn bản. Hiện nay, EVN cũng đang từng bước triển khai hệ thống phòng họp không giấy (E-cabinet).
Đối với lĩnh vực truyền tải điện, cuối năm 2020 đã hoàn thành chuyển được 83% trên tổng số 854 trạm biến áp 220 kV và 110 kV có kế hoạch chuyển sang mô hình không người trực; trang bị và sử dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải. EVN cũng đã sử dụng hệ thống tự động điều khiển phát điện, ứng dụng tự động Điều khiển các nhà máy điện để điều khiển xa các nhà máy điện mặt trời từ trung tâm điều độ của EVN, đảm bảo công khai minh bách và vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện…
Ông Võ Quang Lâm

Ông Võ Quang Lâm

Ảnh: EVN

Những con số biết nói

Nhưng nói gì thì nói, EVN vẫn là một doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công, với gần 25 triệu khách hàng. Vậy chuyển đổi số mang lại cho khách hàng những lợi ích thiết thực nào, nhất là EVN có rất những khách hàng bình dân, không giỏi gì về công nghệ?
Trọng tâm chuyển đổi số là phải làm sao để người dân, khách hàng hưởng lợi. Vậy nên trong công tác kinh doanh dịch vụ, từ 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Tới 2019, EVN đã hoàn thành đáp ứng điều kiện để cung cấp hợp đồng điện tử. Các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng, thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến. EVN cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Số lượng yêu cầu các dịch vụ điện qua Cổng QVCQG đến ngày 30.11.2020 là gần nửa triệu yêu cầu. Lượng hồ sơ đồng bộ lên Cổng là gần 1,5 triệu hồ sơ. Các dịch vụ điện luôn nằm trong nhóm các dịch vụ nổi bật của Cổng, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng DVCQG. Đó là những con số mà tôi nghĩ đã nói lên rất nhiều điều.
Nói nôm na, rất nhiều người dân khách hàng của chúng tôi, kể cả các cụ hưu trí chỉ cần ngồi nhà nhấp chuột là sẽ được cung cấp các dịch vụ điện từ hợp đồng mua điện, lắp đặt, xử lý sự cố, đến thanh toán hóa đơn… mà không cần phải đi lại.
Từ tháng 1.2021, EVN sẽ chính thức triển khai ứng dụng QR code cho tất cả khách hàng, mỗi khách hàng sẽ có một mã QR code của mình. Khách hàng không cần phải nhớ mã số khách hàng khi thực hiện các giao dịch với EVN, đồng thời việc thanh toán cho các dịch vụ điện năng của khách hàng trở nên đơn giản hơn, thuận tiện hơn.
Ngành Điện không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, fanpage… Đặc biệt, EVN đã ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng. Nhờ đó, sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện ngày càng tăng lên. Đối với EVN, chuyển đổi số hay cách mạng 4.0 luôn lấy khách hàng làm trung tâm, để khách hàng ngày càng tiện lợi, vượt ra khỏi những giới hạn khoảng cách địa lý chứ không phải cái gì xa xôi cả. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.