EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện để giảm khó khăn, cân đối tài chính

Nguyên Nga
Nguyên Nga
22/12/2022 09:22 GMT+7

Nhìn nhận số lỗ khoảng 31.360 tỉ đồng của EVN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh hứa sẽ giải quyết hoặc đề xuất với lãnh đạo Đảng, Chính phủ tháo gỡ, giúp EVN phát triển ổn định.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào sáng 21.12 cho biết, trong năm 2022, các biến động trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất điện của EVN. Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn...

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN

EVN

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm và đang thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành.

Dù đã triển khai chiến lược tiết giảm chi phí 33.445 tỉ đồng, nhưng tập đoàn vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến trong năm qua. Kết quả là năm 2022, EVN dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỉ đồng.

Từ đó, EVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, mức lỗ hơn 31.000 tỉ đồng của EVN là do yếu tố khách quan khi doanh nghiệp không được tăng giá điện. Đồng thời, ông đánh giá năm 2022, EVN đã khẳng định được năng lực và vị thế hàng đầu của một doanh nghiệp nhà nước lớn, đã hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả hơn nữa, tập đoàn cần quán triệt thực hiện các giải pháp phù hợp.

EVN một lần nữa kiến nghị sớm tăng giá điện để cân đối tài chính và giảm khó khăn

ĐỘC LẬP

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của EVN theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hết sức nặng nề, vừa đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Từ đó, vị này nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cho EVN trong năm tới.

Cụ thể, phải thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển EVN và định hướng tái cơ cấu ngành điện để phát triển bền vững.

Ủy ban khẳng định sẽ luôn "đồng hành cùng với EVN và hỗ trợ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các giải pháp cân bằng tài chính". Đặc biệt, Ủy ban sẽ chủ động, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất với lãnh đạo Đảng, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giúp EVN phát triển ổn định.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hoàng Anh nhìn nhận số lỗ dự kiến 31.360 tỉ đồng của EVN "rất đáng lưu tâm" và cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.