EVNGENCO2 cổ phần hóa để bứt phá

27/04/2022 15:06 GMT+7

Bên cạnh một số khó khăn, thách thức, đã có rất nhiều cơ hội mở ra cho Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), kể từ khi đơn vị chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp cổ phần. Ông Trần Phú Thái, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đã có những trao đổi xung quanh chủ đề này.

PV: Hơn nửa năm chuyển sang mô hình doanh nghiệp cổ phần, ông có thể chia sẻ đâu là những thuận lợi đối với EVNGENCO2?

Ông Trần Phú Thái: Từ tháng 7.2021, EVNGENCO2 chính thức chuyển sang mô hình hoạt động công ty cổ phần. Đây là cột mốc lịch sử của EVNGENCO2, cũng như góp phần vào thành tích chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong nhiệm vụ cổ phần hóa các Tổng công ty thành viên.

Cổ phần hóa đã giúp đổi mới cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý của Tổng công ty trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được. Đồng thời, gia tăng năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh nội tại, tận dụng các tiềm lực từ đối tác, nhà đầu tư để tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Hiện tại, EVNGENCO2 có thể đa dạng hóa các kênh huy động vốn như tiếp cận nguồn vốn tư nhân dồi dào trên thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đặc biệt, tình hình tài chính lành mạnh và tỷ suất sinh lợi cao trong năm 2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tổng công ty thu hút vốn đầu tư trong tương lai.

Sau sự thành công đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán UPCOM, thời gian tới, EVNGENCO2 hướng tới chuyển sang niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức.

Cánh đồng pin mặt trời, Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ của EVNGENCO2

Ảnh: Minh Lương

Đâu là những thách thức khi EVNGENCO2 chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, thưa ông?

Khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, pháp lý là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với EVNGENCO2, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến đổi và hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện. EVNGENCO2 đã có những điều chỉnh về chính sách phù hợp với các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Những thay đổi này phần nào đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty.

Ngoài pháp lý, EVNGENCO2 nói riêng và ngành điện nói chung vẫn gặp phải một số thách thức như: Sản xuất thủy điện chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thủy văn trong khi những năm qua, thời tiết diễn biến thất thường khi Việt Nam là một trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Cùng với đó, khả năng cung cấp nhiên liệu sơ cấp đầu vào cho ngành Điện (bao gồm than/khí) từ nguồn trong nước ngày càng khan hiếm và phải nhập khẩu từ thị trường thế giới; Việc huy động vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện ngày càng khó khăn. Ngoài ra, vấn đề về giá của nguyên liệu đầu vào cũng là một thách thức, rủi ro khá lớn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các nhà máy điện.

Nhân viên vận hành của EVNGENCO2 kiểm tra hệ thống

Ông có thể chia sẻ những thế mạnh nội tại của EVNGENCO2, điều có thể thôi thúc nhà đầu tư mạnh dạn đồng hành cùng EVNGENCO2?

EVNGENCO2 hiện đang quản lý 4.461 MW công suất đặt của nhiều loại hình nhà máy điện. Điều này cho thấy sức mạnh và tiềm lực nội tại lớn của Tổng công ty. EVNGENCO2 luôn sẵn sàng và hoàn toàn có thể đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững các ngành nghề chính như sản xuất và kinh doanh điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện, các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các ngành nghề kinh doanh khác. Minh chứng là tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của EVNGENCO2 đạt 3.754,7 tỉ đồng, bằng 108% kế hoạch năm và tăng trưởng gấp 6 lần so với năm 2020. Riêng giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021, khi bước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, EVNGENCO2 lãi 1.648 tỉ đồng.

Đến nay, các dự án đầu tư của EVNGENCO2 đều có lợi nhuận ổn định và có khả năng hoàn vốn đầu tư rất tốt. Do đó, Tổng công ty dự kiến tái đầu tư mở rộng sản xuất thông qua các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo nhu cầu điện cho nền kinh tế cũng như thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, đơn vị thành viên của EVNGENCO2

Trong chiến lược của EVNGENCO2, những lĩnh vực trọng tâm là gì, thưa ông?

EVNGENCO2 xác định việc đầu tư xây dựng nguồn điện là lĩnh vực trọng tâm trong tương lai. Chiến lược hoạt động này sẽ tạo sự bứt phá trong phát triển lâu dài và bền vững. Theo đó, Tổng công ty dự kiến sẽ phát triển các dự án nguồn điện trong tương lai gồm: Dự án Nhà máy Turbine khí chu trình hỗn hợp Ô Môn V (1.400 MW); Dự án chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I sử dụng khí Lô B; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 3 (660 MW). Bên cạnh đó, EVNGENCO2 cũng mở rộng công suất các nhà máy thủy điện trực thuộc gồm: Thủy điện Trung Sơn với công suất mở rộng dự kiến 130 MW; Thủy điện Quảng Trị dự kiến công suất mở rộng 48 MW; Thủy điện Sông Ba Hạ dự kiến công suất mở rộng 60 MW.

Ngoài ra, với các dự án điện mặt trời, Tổng công ty cũng có Điện mặt trời Quảng Trị công suất dự kiến 30 MWp, cụm điện mặt trời Thác Mơ - 375 MWp (giai đoạn 2) và các dự án điện mặt trời nổi trên lòng hồ các Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ 200 MWp, Quảng Trị 120 MWp, An Khê 20 MWp và Ka Nak 80 MWp.

Trong chiến lược vươn lên của mình, EVNGENCO2 xác định 3 lĩnh vực trọng tâm là: hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Để thực hiện chiến lược này, EVNGENCO2 chú trọng thu hút tài năng và mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng. Chẳng hạn như tháng 7.2021, EVNGENCO2 cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác Chiến lược với Tập đoàn Sembcorp (Singapore). Việc hợp tác chiến lược này nhằm giúp hai bên chia sẻ kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.

EVNGENCO2 luôn mong muốn được đồng hành cùng những đối tác quốc tế tiềm năng để thực hiện đầu tư các dự án có quy mô lớn cũng như đa dạng hóa hình thức đầu tư.

Xin cảm ơn ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.