|
Trong những ngày qua, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có mưa rất to, ngập lụt ở nhiều nơi, đe dọa an toàn đến người và tài sản nhân dân. Để đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, ngày 19.10.2020, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã gửi công điện yêu cầu các Giám đốc các Công ty Điện lực Nghệ An, Hà Tĩnh, Dịch vụ Điện lực miền Bắc chỉ đạo thực hiện ngay việc tăng cường các biện pháp an toàn trong công tác kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo đó, các đơn vị quán triệt trong lúc gió to, mưa lớn tuyệt đối không được cử CBCNV thực hiện kiểm đếm hoặc xử lý khắc phục sự cố trên lưới điện; kiểm tra, đánh giá các trụ sở đội/tổ quản lý vận hành có nguy cơ sạt lở, tổ chức di chuyển khỏi các nơi có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho người lao động; người lao động tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt, chú ý khi đi qua các vùng ngập lụt, qua sông suối phải mặc áo phao, không để đuối nước, phải có biện pháp đảm bảo an toàn khi vượt sông suối, không để bị chìm, trôi ô tô, xe máy, dụng cụ, thiết bị, vật liệu.
Trong khi kiểm đếm thiệt hại, sửa chữa lưới điện hạ áp (do mưa lũ gây ra), đóng (cấp) lại điện cho khách hàng,…cần chú ý về việc kiểm tra rò điện trên cột, kiểm tra các máy phát khách hàng đưa điện lên lưới, nhất là tại các vị trí cột điện đã bị ngập đến hòm công tơ. Trường hợp một số TBA phân phối có đóng điện (khôi phục tạm thời) một phần phụ tải phải hết sức chú ý kiểm tra việc người dân đấu điện qua nhà khác (nguồn khác), có thể đưa điện lên lưới, rất nguy hiểm cho công nhân điện lực và cộng đồng, phải kiểm tra kỹ trước khi đóng điện, tuyên truyền, thông báo cho người dân biết việc khôi phục lưới điện.
Đối với các cột điện bị đổ và dây dẫn bị dứt rơi xuống đường bộ cần có cảnh báo, cảnh giới giao thông khi khắc phục dựng lại cột, kéo lại dây dẫn, tuyệt đối không để người dân bị tai nạn giao thông trong khi các đơn vị công tác thực hiện công việc.
Đối với các TBA bị ngập nước, ngoài việc cắt điện để đảm bảo an toàn, các đơn vị QLVH phải treo biển cảnh báo cho cộng đồng, tránh việc người dân chèo thuyền đâm va vào trạm, gây tai nạn. Các đường dây trung, cao áp bị ngập nước nhưng chưa phải cắt điện, phải cắm các biển cảnh báo, tránh tình trạng các phương tiện giao thông đường thủy đi qua bị phóng điện.
Tổng công ty cũng quán triệt đến các đơn vị, khi khắc phục hậu quả lũ bão, yêu cầu các đối tác thi công và đơn vị quản lý vận hành phải thực hiện khảo sát hiện trường (có biên bản), lập và duyệt “phương án thi công tại chỗ và biện pháp an toàn” tại chỗ, thực hiện phiếu thao tác, phiếu công tác theo đúng quy định, đặc biệt, chú ý đến việc thực hiện các thủ tục an toàn khi bàn giao nơi làm việc và đấu nối lưới điện sau khắc phục hậu quả bão lũ.
Các đơn vị chú trọng xây dựng biện pháp an toàn về điện và cơ học phù hợp để tiến hành công việc, thực hiện các biện pháp an toàn dựng cột tại khu vực sạt lở, ngập lụt, sát bờ sông, suối. Lưu ý, khi khắc phục dựng lại cột để kéo dây, cấp điện tạm thời phải được néo tạm chắc chắn, tránh nguy cơ đổ cột khi bê tông móng chưa đủ thời gian đông kết.
Bình luận (0)