F-16 có phải 'viên đạn bạc' cho Ukraine?

F-16 có phải 'viên đạn bạc' cho Ukraine?

29/11/2023 15:05 GMT+7

Theo đài CNN, các phi công Ukraine tham gia huấn luyện lái tiêm kích F-16 đang nỗ lực để hoàn tất chương trình trong 6 tháng.

Hơn 20 tháng sau khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn duy trì ưu thế tương đối trên không bằng lực lượng phòng không, không quân áp đảo. Ukraine đã phải tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn mà không có hỗ trợ từ lực lượng không quân.

Hồi tháng 8, Mỹ đồng ý cho các đồng minh chuyển giao chiến đấu cơ thế hệ thứ tư F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine ít nhất phải đợi tới đầu năm 2024 để nhận được những chiếc F-16 đầu tiên.

Bên cạnh đó, việc huấn luyện lái tiêm kích F-16 có thể mất nhiều năm, nhưng các phi công Ukraine chỉ có tối đa 6 tháng.

CNN dẫn lời ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, nói rằng 6 tháng là đủ thời gian để đào tạo phi công F-16 về chiến thuật yểm trợ hỏa lực cho quân đội trên mặt đất và giúp giành lại ưu thế trên không. Ông cho biết tại Đan Mạch, phi công Ukraine đã lái F-16 có hướng dẫn viên bay kèm.

Tiêm kích F-16 có thể yểm trợ hỏa lực từ trên không cho bộ binh, tấn công các mục tiêu trên mặt đất, tiêu diệt máy bay đối phương và đánh chặn tên lửa. Ukraine đặt rất nhiều kỳ vọng vào loại vũ khí này để tạo những đột phá mới trong thế trận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gần đây cảnh bảo rằng không có loại vũ khí nào có thể làm "viên đạn bạc" giúp giành chiến thắng.

F-16 có phải "viên đạn bạc" cho Ukraine? - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ F-16 Ukraine sẽ nhận vào đầu năm 2024

REUTERS

Tại một cuộc họp báo trong chuyến công du Kyiv mới đây, ông Austin nói được hỏi về khả năng xoay chuyển tình thế của các máy bay chiến đấu F-16:

"Chúng tôi đã nói không ít lần rằng không có viên đạn bạc nào trong một cuộc xung đột như thế này... Cho dù đó là F-16, dù đó là HIMARS, hay bất cứ thứ gì khác. Vấn đề là ở cách chúng ta vận dụng những năng lực đó và tích hợp cũng như đồng bộ hóa các khả năng để tạo ra hiệu ứng phù hợp trên chiến trường".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cũng cho rằng F-16 sẽ không làm thay đổi chiều hướng của chiến sự. Theo ông, ưu tiên hiện tại của Ukraine là đạn dược, đặc biệt là tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, quan chức không quân Ukraine Ihnat phản bác và cho rằng máy bay sẽ thay đổi đáng kể chiều hướng chiến sự, miễn là có tính năng kỹ thuật và chiến thuật mạnh hơn máy bay Nga.

Ông Ihnat giải thích rằng sự đa năng của F-16 sẽ giúp Ukraine giải quyết rất nhiều nhiệm vụ, không chỉ chống lại không quân Nga mà còn yểm hộ bộ binh.

Hôm 24.11, nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova nói với trang tin European Pravda rằng trong "kịch bản tốt nhất", Ukraine sẽ có thể đưa F-16 ra trận vào cuối mùa xuân 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.