F-35 bắn hạ tên lửa liên lục địa Triều Tiên được không?

08/12/2017 15:07 GMT+7

Quân đội Mỹ dự tính giao cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 nhiệm vụ mới là phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của CHDCND Triều Tiên.

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đang nghiên cứu ý tưởng sử dụng chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhằm tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của CHDCND Triều Tiên ngay khi được phóng lên, theo tạp chí Aviation Week.
Theo kịch bản được vạch ra, sau khi một ICBM rời bệ phóng từ Triều Tiên, chiếc F-35 sẽ nhanh chóng dò tìm và phóng tên lửa không đối không tầm trung cải tiến (AMRAAM) AIM-120 để hạ gục mục tiêu ngay trong giai đoạn đầu của hành trình bay.
Ngày 5.12, hãng sản xuất quốc phòng Northrop Grumman tổ chức cuộc họp báo để công bố kết quả thử nghiệm của hệ thống mới này. Theo đó, hệ thống cảm biến của máy bay F-35 sẽ phát hiện tên lửa đối phương sau đó dùng thuật toán vẽ ra quỹ đạo di chuyển của tên lửa.
Dữ liệu này sau đó được chuyển vào hệ thống chung gọi là Link 16, cho phép chiếc F-35 đó hoặc các hệ thống tên lửa mặt đất như THAAD hay Patriot tiếp nhận và phóng tên lửa tiêu diệt.
Việc sử dụng F-35 để phát hiện và tiêu diệt ICBM được đánh giá là không khả thi và tốn kém Không quân Mỹ
Hạ nghị sĩ Duncan Hunter, thành viên Ủy ban quân vụ hạ viện Mỹ ủng hộ ý tưởng này và cho rằng việc đánh chặn này giống như “hành động của Chúa”. “Các bạn có F-35, các bạn có AMRAAM nên các bạn có thể bắn rơi những tên lửa đó ngay khi nó bay lên”, ông Hunter phát biểu tại hội nghị phòng thủ tên lửa ở Washington D.C hồi tháng 11.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng giải pháp này khó có thể mang lại hiệu quả. Một tên lửa AMRAAM được điều khiển hướng bằng khí động lực và cần không khí để thực hiện thao tác này. Do đó, chiếc F-35 phải nhanh chóng tiêu diệt ICBM trước khi tên lửa này bay ra khỏi bầu khí quyển. Vì vậy, chiếc F-35 chỉ có vài phút để phát hiện và bắn tên lửa đánh chặn.
“ Những yếu tố này bắt buộc bạn phải ở thật gần nơi phóng tên lửa. Làm sao mà F-35 có thể bay ở đó (Triều Tiên) một cách an toàn được?” chuyên gia tên lửa Laura Grego thuộc Liên minh các nhà khoa học Mỹ (UCS) nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia hạt nhân Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (Mỹ) bình luận rằng ngoài những nguy cơ khi cho máy bay hoạt động gần Triều Tiên, việc phát hiện trước địa điểm nước này sẽ phóng ICBM cũng là một khó khăn.
“Họ có những giàn phóng di động có thể ngụy trang và phóng ICBM nhanh chóng nên sẽ rất khó để đoán đâu là nơi vụ phóng xảy ra. Bạn phải rất may mắn mới phát hiện được”, ông Lewis nói.
Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như F-35 cần tái nạp nhiên liệu sau vài giờ tuần tra, do đó sẽ cần thêm máy bay tiếp nhiên liệu trên không, khiến chi phí tăng cao.
Mỹ hiện có 16 chiếc F-35 đồn trú tại Nhật Bản. Theo ước tính, mỗi ngày tuần tra của 16 chiếc máy bay này sẽ tốn 3 triệu USD tiền nhiên liệu và một số phụ phí khác. Như vậy, một năm tuần tra sẽ mất hàng tỉ USD nhưng cơ hội bắn được tên lửa Triều Tiên là cực kỳ nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.