F-35B bay từ Mỹ sang Nhật mất… 7 ngày

25/02/2017 20:44 GMT+7

Thủy quân lục chiến Mỹ vừa triển khai 10 tiêm kích tàng hình F-35B từ Mỹ sang căn cứ ở Nhật Bản. Đáng nói là các máy bay này bay đến Nhật mất 7 ngày, trong khi một máy bay chở khách bay quãng đường đó chưa đến 24 giờ. Vì sao?

Theo tạp chí AviationWeek ngày 20.2, số máy bay F-35B này xuất phát từ căn cứ ở Yuma, bang Arizona ngày 18.1 bay đến căn cứ ở Iwakuni, Nhật Bản vào ngày 25.1. Bên cạnh việc tán dương sức mạnh của Mỹ ở khu vực sẽ gia tăng thêm nhờ sự có mặt của loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất này, bên trong Lầu Năm Góc diễn ra cuộc tranh cãi thầm lặng về việc số máy bay này bay mất cả tuần mới đến nơi, quãng thời gian quá dài.

Thời gian để một máy bay chiến đấu bay từ điểm A đến điểm B phụ thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, địa hình, sức khỏe phi công (phải có thời gian nghỉ ngơi). Tuy nhiên trong chuyến bay vượt Thái Bình Dương vừa qua của 10 chiếc F-35B, Không lực Mỹ đảm trách việc tiếp dầu cho số máy bay này với thái độ rất thận trọng khi cho máy bay tiếp dầu tiếp nhiên liệu cho số máy bay này tổng cộng 250 lần, tức mỗi chiếc F-35B được tiếp dầu 25 lần.

Việc tiếp dầu nhiều lần như thế khiến một số phi công của TQLC Mỹ phàn nàn rằng điều này khiến ảnh hưởng đến thời gian vượt đại dương. Trung tướng Jon Davis, tư lệnh không quân của TQLC gay gắt nói rằng F-35B có thân dài hơn F-18 với thùng dầu phụ, vì sao phải tiếp nhiên liệu trên không thường xuyên, và ông không muốn thế: "Chúng tôi được tiếp dầu nhiều lần hơn chúng tôi muốn".

Máy bay tàng hình F-35B của TQLC Mỹ hạ cánh xuống căn cứ ở Iwakuni Không lực Mỹ

Để các máy bay quân sự Mỹ có thể hoạt động mọi nơi trên thế giới, cần có đội máy bay tiếp dầu, theo phát ngôn viên của Không lực Mỹ, đại tá Chris Karns. Lý do là máy bay chiến đấu ngốn rất nhiều nhiên liệu, và F-35B cũng không ngoại lệ. Ông Karns cho biết trong thời gian phi đội F-35B bay từ Mỹ sang Nhật, bên cạnh 10 chiếc F-35B là 9 chiếc máy bay tiếp dầu bay cùng, bơm tổng cộng gần 350 tấn xăng cho số F-35B qua 250 lần tiếp dầu trên không.

TQLC Mỹ cũng có máy bay tiếp dầu riêng, nhưng là loại KC-130 chứa ít nhiên liệu hơn các máy bay tiếp dầu của Không lực Mỹ, nên chỉ có Không lực Mỹ mới có thể tiếp dầu cho các máy bay vượt đại dương.

Còn chuẩn tướng Scott Pleus của Không lực Mỹ thì bảo máy bay F-35B của TQLC cần phải được tiếp dầu liên tục để bay đến Iwakuni. Theo giải thích của ông, Không lực Mỹ đã thiết lập cơ chế tiếp dầu vượt đại dương tính đến các kịch bản xấu nhất, để nếu một máy bay tiếp dầu không thể thực hiện tiếp dầu trên không vì ảnh hưởng của thời tiết hay trục trặc kỹ thuật, thì cả nhóm máy bay vẫn đủ nhiên liệu để hạ cánh an toàn.

“Khi chúng tôi lên kế hoạch, đã tính đến các kịch bản xấu nhất để trả lời câu hỏi vào thời điểm tồi tệ nhất thì chuyện gì sẽ xảy ra. Đó là điều thận trọng, và lý do vì sao chúng tôi thận trọng bởi đó là quyết định mang tính sống chết”, tướng Pleus, cựu phi công F-16 giải thích.

Máy bay tiếp dầu KC-130 đang tiếp nhiên liệu cho 2 chiếc F-35 Không lực Mỹ

Thông thường máy bay tiếp dầu của Không lực Mỹ sẽ bơm dầu liên tục cho các máy bay khác khi bay qua đại dương, cứ khoảng 30 - 40 phút là có 1 lần bơm. Loại F-35B chỉ chứa được khoảng 2,25 tấn xăng, ít hơn so với loại F-35A của không quân nên thường xuyên phải được bơm nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu, tướng Pleus nói.

Ông cũng bác bỏ phàn nàn của tướng Davis về việc kéo dài thời gian giữa hai lần tiếp dầu, vì cho rằng điều đó gây nguy hiểm cho phi công.

Sơ đồ đường bay của F-35B từ Yuma (Mỹ) đến Iwakuni (Nhật), bay men theo bờ tây nước Mỹ lên Alaska và vòng xuống quần đảo Aleutian đến Nhật mất 7 ngày (tính luôn thời gian nghỉ ngơi lúc hạ cánh) f-16.net

Tuy vậy trong kịch bản chiến đấu, máy bay của Không lực Mỹ thực hiện phi vụ kéo dài 6 giờ, và chỉ được tiếp dầu từ 2 - 3 lần. Lý do là máy bay tiếp dầu không thể bay gần các máy bay chiến đấu ở khu vực chiến sự vì dễ gặp nguy hiểm.

Đại tá Karns còn ví von rằng máy bay chiến đấu thì được chú ý như trên sân khấu, nhưng máy bay tiếp dầu cũng quan trọng không kém, vì nếu không có máy bay tiếp dầu thì F-35 chẳng thể nào tiếp cận được mọi nơi trên thế giới. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc ra đời các máy bay quân sự thế hệ mới đòi hỏi đội máy bay tiếp dầu cũng phải được trang bị máy bay thế hệ mới để theo kịp đà phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.