"Facebook nghe lén người dùng" dần trở thành một khái niệm phổ biến và nhiều người tin vào điều đó, đặc biệt khi họ nhận ra các quảng cáo hiển thị nội dung liên quan và gần như chính xác tới những vấn đề được đề cập trong mỗi cuộc trò chuyện với những người xung quanh. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy và hoài nghi về nghe lén thực chất là hiểu lầm.
Để hiển thị quảng cáo trúng mục tiêu, Meta hay Facebook, Instagram... không cần áp dụng phương pháp nghe lén đầy tốn kém và rủi ro, thiếu chính xác. Thay vào đó, họ có những công cụ hiện đại hơn để biết chính xác người dùng muốn gì, quan tâm tới điều gì ở từng giai đoạn khác nhau.
Theo nhà sáng lập công ty đầu tư công nghệ Gateway X Jesse Pujji, công cụ được Meta sử dụng có tên Facebook Pixel là một đoạn mã tồn tại ở gần như mọi trang web, ứng dụng di động trên thế giới hiện nay. Đoạn mã có tác dụng đo lường quảng cáo, lưu lượng truy cập web giúp doanh nghiệp nắm được dữ liệu cần thiết để phục vụ quảng cáo nhắm mục tiêu. Meta (công ty mẹ của Facebook) không sở hữu công cụ hay các dữ liệu đó, nhưng họ thương thảo với doanh nghiệp để chia sẻ cùng nhau có lợi. Meta có thứ họ muốn, còn doanh nghiệp bắt tay có quyền xem truy vấn tìm kiếm của khách, lịch sử giao dịch... cùng nhiều tính năng khác trên nền tảng mạng xã hội này.
Trong khi đó, News Feed (trang chủ hiển thị tin tức cập nhật của Facebook) lại sở hữu thuật toán với hàng trăm điểm dữ liệu tuổi tác, kết nối bạn bè, lịch sử nhấp chuột, vị trí địa lý nơi đăng bài... để tính ra phương án hiển thị quảng cáo nào hiệu quả nhất trên bảng tin. Có cả Instagram, Facebook, WhatsApp, Messenger... trong tay cùng hợp tác chia sẻ dữ liệu của các website, ứng dụng di động, Meta thừa dữ liệu để hiện quảng cáo cho người dùng xem dù họ đang ở nền tảng nào của hãng.
Pujji tiết lộ thêm, thuật toán Facebook có thể tìm ra sản phẩm người dùng quan tâm thông qua smartphone xuất hiện ở gần, quét dữ liệu hiển thị những trang web gần nhất mà một trong hai người đã xem và dự đoán chủ đề tiềm năng nhất mà cả hai có thể cùng thảo luận để đưa ra quảng cáo gợi ý. Thuật toán này thông minh tới nỗi "bắt" trúng quá nhiều trường hợp khiến người dùng có cảm giác họ bị mạng xã hội nghe lén.
Jamie Court, chuyên gia về quyền riêng tư và đồng thời là Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Consumer Watchdog cũng khẳng định Facebook theo dõi người dùng bằng các công cụ khác nhau, không phải nghe lén. "Họ tập hợp các tình huống và phân tích tự động, tiếp thị nội dung tới người dùng như thể đang lắng nghe cuộc trò chuyện", ông khẳng định.
Chuyên gia công nghệ Paul Bischoff của Comparitech cũng lên tiếng: "Có nhiều cách để Facebook chạy quảng cáo nhắm mục tiêu tới người dùng dựa trên dữ liệu họ thu thập thông qua thuật toán. Facebook có thể theo dõi hoạt động của bạn qua website, ứng dụng khác có tích hợp plugin (phần mềm bổ trợ được thêm vào) cũng như qua thông tin đăng nhập, tiện ích của Facebook".
Trong một bài thử nghiệm mới đây, phóng viên công nghệ của Daily Mail sử dụng điện thoại đã khôi phục cài đặt gốc và truy cập tài khoản Facebook mới lập. Sau hai ngày nói chuyện, cố tình nhắc đến các từ khóa có chủ đề khác nhau nhưng mạng xã hội không đề xuất trúng quảng cáo lần nào. Nguyên nhân bởi chiếc điện thoại không dùng vào việc gì khác ngoài đăng nhập Facebook.
Năm 2019, công ty bảo mật Wandera đưa 2 smartphone khác nhau vào phòng kín, mỗi ngày bật hội thoại về thức ăn cho thú nuôi trong 30 phút. Sau 3 ngày, họ không nhận quảng cáo nào liên quan đến chủ đề trên và thiết bị cũng không có dấu hiệu tự gửi dữ liệu lên máy chủ internet.
Wandera kết luận Facebook có theo dõi hành vi của người dùng, nhưng nghe lén không khả thi, nhất là khi mạng xã hội này có hàng tỉ người dùng. Việc nghe lén buộc phải thu, gửi dữ liệu lên đám mây, đòi hỏi có kết nối internet và không thể tránh khỏi tình trạng nóng máy, hết pin nhanh hay tăng hóa đơn mạng dữ liệu - những dấu hiệu rất dễ bị người dùng phát hiện.
Facebook có khoảng 2 tỉ người dùng hằng ngày trên toàn cầu. Để ghi âm và tải số tập tin này lên máy chủ đám mây là một điều không tưởng. Chỉ tính riêng tại Mỹ nơi có 200 triệu người vào Facebook một ngày, dung lượng để lưu trữ đoạn hội thoại (nếu ghi âm) đã lên tới 26 petabyte (PB), tức hơn 26 triệu GB.
Hoài nghi về việc Facebook không ghi âm hay tải dữ liệu mà chỉ cần "lắng nghe và bắt từ khóa" thu được qua micro cũng không có cơ sở. Theo Antonio Garcia-Martinez, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, bộ xử lý của điện thoại không thể đáp ứng phương pháp này và người dùng cũng sẽ nhận ra ngay qua các dấu hiệu bất thường về hiệu năng.
Facebook cũng không dại dột vi phạm pháp luật khi cố tình kích hoạt micro trên thiết bị mà không có sự đồng ý của người dùng. Các công ty bảo mật có thể lần ra hành vi này trong phút chốc và sẵn sàng đâm đơn kiện nếu phát hiện sai phạm.
Bình luận (0)