Theo nguồn tin của Wall Street Journal, các thỏa thuận này có thể mang lại hàng triệu USD cho mỗi nhà xuất bản nội dung, trong đó Facebook cho biết họ sẽ chi 3 triệu USD mỗi năm cho quyền truy cập kho nội dung của các đại lý, tòa soạn hoặc nhà xuất bản. Trong số các đối tác được Facebook mời tham gia thương thảo lần này, có thể kể tới một số tên tuổi lớn như ABC News (của Disney), Bloomberg, Dow Jones (công ty mẹ của WSJ) và Washington Post.
Nguồn tin còn cho biết thêm, Facebook có kế hoạch đưa các bài viết này dưới dạng tin tức chuyên biệt dự kiến sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay. Nếu đồng ý, các nhà xuất bản nội dung sẽ ký thỏa thuận kéo dài trong ba năm và họ sẽ có quyền kiểm soát các nội dung xuất hiện trên Facebook cũng như tương tác của độc giả. Các điều khoản này khác hẳn với cách tiếp cận của Apple khi công bố dịch vụ tin tức Apple News Plus, theo đó dịch vụ của Apple tập trung vào các tạp chí nhằm chia sẻ các nguồn thu ngoài luồng và các số liệu đang cho thấy dịch vụ này đang có doanh thu khá kém cỏi.
Nhưng nếu Facebook thành công thì đây có thể coi là hướng mới cho lĩnh vực xuất bản nội dung số, giúp phục hồi lượng truy cập mà Facebook đã từng “cướp đi” của các nhà xuất bản và truyền thông trước khi mạng xã hội này ra đời. Chính tác động này đã tạo ra mối quan hệ trắc trở giữa Facebook và các công ty cung cấp nội dung như báo chí hay truyền hình. Trước đó, Facebook xác nhận rằng họ sẽ tung ra một mục tin tức mới vào mùa thu năm nay và mới đây mạng xã hội này cũng đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ video trả phí.
Vẫn chưa rõ liệu động thái mới của Facebook có mang lại kết quả tốt đẹp nào để mang các nhà xuất bản trở lại với Facebook không, nhưng chắc chắn rằng lượng tiền mặt dự trữ khổng lồ của họ sẽ là chìa khóa để giành lợi thế trên bàn đàm phán với báo giới.
Bình luận (0)