'Fan meeting', 'circle' là gì mà khiến bạn trẻ xếp hàng hơn 12 tiếng chờ tham gia?

27/03/2022 21:04 GMT+7

Để sở hữu những vật phẩm giới hạn trong các sự kiện có tên như 'fan meeting', 'circle', hàng dài bạn trẻ xếp hàng ngày đêm để tham gia lễ hội văn hóa Nhật tại Nhà thi đấu đa năng Quận 7 (TP.HCM).

Đông đảo bạn trẻ xếp hàng dài chờ tham dự sự kiện văn hóa Nhật

Ngọc Long

9 giờ tối hôm trước có mặt, 9 giờ sáng hôm sau vào cửa

Sáng 27.3, lần đầu tiên sự kiện dành riêng cho bạn trẻ mê truyện tranh, phim hoạt hình và văn hóa Nhật “AniAni Festival” được tổ chức. Với hoạt động giao lưu nhóm nhạc thần tượng, VTuber (ca sĩ ảo), đặc biệt là "fan meeting" (họp mặt người hâm mộ) và mua bán tại các "circle" (nhóm họa sĩ làm vật phẩm ăn theo), lễ hội đã thu hút hơn 60 gian hàng phục vụ cùng lượng khách đông đảo.

Ghi nhận tại địa điểm tổ chức, dù 9 giờ sáng hôm sau sự kiện mới đón khách vào hội trường nhưng từ 21 giờ ngày hôm trước đã có hàng trăm bạn trẻ trải bạt xếp hàng, nghỉ ngơi trước cổng. Có mặt từ 22 giờ, Đào Quốc Linh (24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết anh đến chờ lấy phiếu tham gia "fan meeting" một bộ truyện tranh nổi tiếng cùng bạn bè.

Các circle đặc biệt thu hút bạn trẻ

Ngọc Long

Anh giải thích: “Nhà xuất bản bắt đầu phát phiếu từ 5 giờ sáng nên tôi tranh thủ đến sớm giữ chỗ, vì vài hôm trước cũng có hoạt động tương tự và người từng tham gia bảo rằng đến sau 3 giờ sáng là không có cơ hội nữa. Những ai có số phiếu càng nhỏ thì nhận được quà càng giá trị, và chỉ giới hạn trong 500 người đầu tiên”.

Cùng đam mê truyện tranh nhưng là với các vật phẩm ăn theo, Nguyễn Ngọc Anh Chi (22 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đã chi gần một triệu đồng cho các loại móc khóa, huy hiệu, tranh ảnh... có hình những nhân vật cô yêu thích. “Vì các 'circle' tham gia chỉ bán số lượng giới hạn nên tôi sợ sẽ không còn dịp sau, tranh thủ mua được gì thì mua để không hối hận”, Chi bộc bạch.

Anh Chi và các “chiến lợi phẩm” sau một ngày tham dự

Ngọc Long

Lý giải đam mê này của Chi, Võ Thị Thu Hà (24 tuổi), một họa sĩ trong circle SiRika có tham dự sự kiện, cho biết các sản phẩm ăn theo thường được vẽ dễ thương, có nét đáng yêu và dễ thu hút fandom (cộng đồng hâm mộ nhân vật). Đeo đuổi công việc này trên 5 năm và tham dự khoảng 10 lễ hội văn hóa Nhật, cô chia sẻ chỉ vẽ những bộ truyện bản thân yêu thích chứ không chạy theo xu hướng và “khá hài lòng với doanh thu đạt được”.

Huy hiệu, gấu bông, tranh vẽ... mang hình ảnh của nhiều nhân vật truyện tranh nổi tiếng tại gian hàng của Thu Hà

Ngọc Long

Một họa sĩ khác thì bật mí những vật phẩm ăn theo thường đa dạng hình thức, sở hữu yếu tố mỹ thuật hợp thị hiếu và chỉ có giá từ vài chục ngàn đồng nên dễ khiến bạn trẻ “rút hầu bao”. “Giá của hàng chính hãng thường đắt gấp vài lần, thậm chí vài chục lần so với những vật phẩm do họa sĩ Việt thực hiện nên đây cũng là cách giúp người mua thỏa mãn đam mê sưu tầm với chi phí rẻ”, người này nói.

“Làm vì đam mê, không màng lợi nhuận”

Như Ngọc (ngụ Q. Tân Bình, TP.HCM), ban tổ chức “AniAni Festival”, cho biết nhóm gồm các thành viên có độ tuổi từ 25 - 30 đã mất khoảng 6 tháng để chuẩn bị cho sự kiện. “Chúng tôi tự tay làm từng món một. Có những sản phẩm hiếm được ‘câu’ trực tiếp từ Nhật Bản”, cô cười nói.

Hoạt động "fan meeting" có hơn 500 khách tham gia sôi nổi

ngọc long

Theo Ngọc, sự kiện đã nhận được ủng hộ vượt xa mong đợi, với số lượng gấp 3 lần dự kiến. Để đảm bảo yếu tố phòng dịch, ngoài yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham gia, ban tổ chức còn đặt ra mức khách giới hạn bên trong hội trường và chia khuôn viên thành từng luồng xếp hàng cụ thể.

Cô chia sẻ: “Chúng tôi làm sự kiện với tâm thế không đòi hỏi gì, chỉ muốn xây dựng một cộng đồng chia sẻ đam mê, không màng lợi nhuận. Mong mọi người cảm nhận được tâm huyết này và thông cảm cho những sai sót của mùa đầu tiên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.