Thời xưa, cái thời mà mệnh giá của 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng còn là cả một gia tài và có thể mua được khối thứ ở căn tin trường, nào là xí muội, kẹo the đường, bánh tráng, đá bào, poster ca sĩ, diễn viên...
|
Hồi ấy cứ hễ đứa nào mặc chiếc quần ống loe càng rộng, đầu kẹp nhiều kẹp tăm hoặc thun cột tóc nhiều màu lại càng thời trang. Trong phòng đứa nào treo nhiều poster, áp phích của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng lại càng sành điệu.
Để có một tấm poster của các ngôi sao thời ấy, nhiều đứa trẻ trong xóm lao động chúng tôi phải giấu ba mẹ tiền ăn sáng cả tuần để có thể mua. Thay vì ăn hộp xôi mặn với giá 1.000 đồng thì chỉ dám ăn một gói xôi gấc bọc lá chuối hoặc một cái bánh mì nhỏ xíu trị giá 500 đồng. Đến nhà đứa nào trong lớp họp nhóm mà phòng dán đầy tranh ảnh của các ngôi sao như: Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Đan Trường, Mỹ Tâm... cứ y như rằng "Alice ở xứ sở thần tiên". Nhiều bạn có điều kiện trong lớp tôi còn đặt hẳn cả chú giao báo ở bưu điện xã để mua báo Hoa Học Trò, Mực Tím... mỗi tháng, đơn giản chỉ vì số đó có ca sĩ, diễn viên mà họ yêu thích.
Những chiếc đĩa CD được bán tràn lan với giá 10.000 đồng là cả một kho báu mà bọn trẻ như tôi ao ước sở hữu. Nhiều lúc không đủ tiền mua đĩa chỉ biết "há miệng chờ sung" đợi nhỏ lớp trưởng đại gia xem chán chê mới ngỏ lời mượn.
tin liên quan
Xa rồi những lá thư tayTôi nhớ lá thư tay đầu tiên của tôi là viết cho Bá. Đó là một buổi tối, bên chiếc đèn học nhỏ, mẹ ngồi cạnh đọc cho tôi viết, khi ấy tôi mới học lớp 1, chưa nghĩ được nhiều, chỉ cố nắn nót cho nét chữ thật đẹp.
Chiếc cát sét cũ hồi ấy thần thánh lắm. Mỗi khi ngoại nghe cải lương ngủ thiếp đi tôi lại mon men bật sang dài FM99.9MHz chương trình Làn sóng xanh để nghe anh Bo (Đan Trường), chị Mỹ Tâm, Thanh Thảo... hát. Mãi cho tới khi chuẩn bị lên lớp 6 tôi mới được ba mua cho chiếc cát sét riêng với mục đích phục vụ việc học tiếng Anh. Ngoài việc luyện nghe, đọc và viết ngoại ngữ tôi còn tận dụng chiếc cát sét của mình để thu lại các bài hát yêu thích trên truyền hình và đĩa CD dỏm mượn từ chúng bạn.
Những cuốn lưu bút chép lời bài hát cũng từ đó mà ra. Từ ngày có chiếc cát sét, việc đón xem chương trình ca nhạc trên đài FM và ghi chép lời bài hát với tôi cũng dễ dàng hơn. Niềm vui của tôi thời ấy là tua đi tua lại đoạn ghi âm bài hát vừa chầu trực thu được từ tivi, rồi tỉ mỉ chép từng dòng bằng cây viết mực Thiên Long huyền thoại. Những mùa dấu yêu, Hôn môi xa, Email tình yêu (Đan Trường), Hai mươi, Ước gì (Mỹ Tâm), Cho bạn cho tôi bạn cho tôi (Lam Trường)... các ca khúc làm mưa làm gió những năm 1990 hầu như bài nào tôi cũng chép trong lưu bút... Có những đoạn do đĩa xước hoặc chép không kịp đành bỏ ngỏ nôn nao, ngóng trông đến khi chương trình phát lại chờ đúng đoạn đó để nhẩm theo lời bài hát, tốc ký ghi lại.
|
Thế hệ 8x, 9x chắc hẳn không còn xa lạ với truyền hình analog và những chiếc ăng-ten làm bằng nhôm nằm vắt vẻo trên nóc nhà. Cả thế giới như sụp đổ khi chương trình ca nhạc, bộ phim yêu thích bỗng bị mất tín hiệu khi ăng-ten bị gió.
Mỗi khi có chương trình ca nhạc đặc biệt diễn ra tại sân banh của huyện, đối với chúng tôi chẳng khác nào là giấc mơ có thật vì nghĩ rằng mình sẽ được nhìn thần tượng bằng da, bằng thịt. Tuy nhiên, khi ba má chúng tôi còn mừng đám cưới, thôi nôi, giỗ chạp với phong bì chỉ từ 20.000-50.000 đồng thì 40.000-50.000 đồng/vé/người không phải là số tiền nhỏ để những đứa trẻ trong xóm lao động nghèo như chúng tôi có thể thỏa ước mơ gặp thần tượng…
Có lẽ, những kỷ niệm xưa cũ ấy không là của riêng tôi, mà chắc hẳn ai đó thuộc thế hệ 8x hay 9x đời đầu cũng sẽ tìm thấy hình ảnh chính mình trong đó. Cả một trời thương nhớ, một vùng hoài niệm với thần tượng ngày xưa… (còn tiếp)
Bình luận (0)