Sau quyết định nâng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng nay (17/12), USD tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu đầu cơ, vàng tăng giá nhẹ.
USD tiếp tục tăng kịch trần gây áp lực cho tỷ giá |
Tuy nhiên, trên thị trường dấu hiệu căng thẳng về USD đã bắt đầu xuất hiện kể từ đầu tuần đến nay. Đầu giờ sáng nay 17.12, giá USD tại các ngân hàng Vietcombank, BIDV, ACB, Eximbank vẫn tiếp tục duy trì ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD.
Tăng giá do tâm lý, đầu cơ
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lần tăng lãi suất cơ bản 0,25% chắc chắn sẽ làm giá trị của USD tiếp tục tăng và các nhà đầu cơ không tội gì mà bán ra quá nhiều tài sản được định giá bằng USD để tránh hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông”. Tức bán ra quá nhiều kéo giá USD giảm như giai đoạn trước đó.
Hiện tượng tăng tỷ giá trong lúc này chủ yếu do yếu tố tâm lý. “Với việc Ngân hàng nhà nước đang tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp và cho biết sẽ phối hợp nhiều biện pháp khác để bình ổn thị trường ngoại tệ, trong thời gian tới tiền đồng và tỷ giá đối với USD sẽ tiếp tục ổn định”, ông Hiếu dự báo.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì không quá tỏ ra lo ngại với động thái này của FED. “Chính sách tiền tệ có một điều khá đặc biệt là nó phản ánh những kỳ vọng trước khi quyết định đưa ra. Việc FED tăng lãi suất đã được dự báo từ rất sớm, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã nhón chân trước để đón đầu”, ông Phước nhận định.
Chuyên gia tài chính TS.Cấn Văn Lực – Hàm Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, áp lực đối với tỷ giá chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian tới. Thậm chí, trước khi FED tăng lãi suất tuần qua các ngân hàng cũng đã tăng tỷ giá lên ngưỡng kịch trần, điều đó cho thấy yếu tố tâm lý là rất mạnh. Tuy nhiên, cung - cầu ngoại tệ, theo ông Lực, lại không có gì căng thẳng, bởi với nguồn dự trữ ngoại hối mạnh, cán cân thương mại nhập siêu thì Ngân hàng nhà nước vẫn đủ khả năng can thiệp để giữ ổn định trong thời gian tới.
Đánh giá thêm tác động với nợ công, theo TS. Lực khi lãi suất cơ bản đồng USD tăng lên sẽ làm cho các khoản vay của Chính phủ Việt Nam gia tăng, nếu tỷ giá được điều chỉnh thì các khoản nợ nằm trong nợ công cũng phải điều chỉnh theo cam kết trong hợp đồng vay nợ. “Áp lực tỷ giá, nợ công tăng sau quyết định của FED là không thể phủ nhận”, ông Lực khẳng định.
TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Quyết định của FED đã được thị trường nhận định từ trước đó rất lâu, chính sách tiền tệ và đặc biệt tỷ giá của Việt Nam đã chiết khấu rồi. Với dự trữ ngoại hối lớn Ngân hàng nhà nước có thể kiểm soát được tình hình. Còn việc căng thẳng, kịch trần có dấu hiệu của tâm lý đầu cơ, găm giữ”.
Bình luận (0)