Fed và các ngân hàng trung ương bắt tay xử lý khủng hoảng

20/03/2023 08:22 GMT+7

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vừa công bố thỏa thuận trao đổi tiền tệ nhằm khôi phục sự ổn định giữa cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Trong động thái phản ứng chưa từng thấy từ thời đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng các ngân hàng trung ương Anh, Canada, Nhật Bản và Thụy Sĩ ngày 19.3 công bố thỏa thuận trao đổi tiền tệ, theo CNN.

Đây là một hình thức thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (thuật ngữ tiếng Anh là swap line) giữa các ngân hàng trung ương với nhau. Thỏa thuận cho phép một ngân hàng trung ương nhận ngoại tệ từ ngân hàng trung ương khác phát hành loại tiền đó, và phân phối lại cho các ngân hàng thương mại trong nước.

Fed và các ngân hàng trung ương bắt tay xử lý khủng hoảng - Ảnh 1.

Trụ sở Fed tại Washington D.C

REUTERS

Ví dụ, thỏa thuận giữa Fed và ECB cho phép ECB nhận một lượng tiền USD tương đương với một lượng tiền euro. ECB sau đó có thể phân bổ đồng USD đó cho các ngân hàng thương mại của 20 nước trong khu vực đồng tiền chung eurozone.

Đây là công cụ tài chính quan trọng giúp giữ sự ổn định của thị trường. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các thị trường vốn cạn kiệt và các ngân hàng châu Âu khi đó gặp khó trong việc tìm nguồn tiền USD.

UBS, Credit Suisse đồng ý thỏa thuận 'sáp nhập gánh nợ'

Từ ngày 20.3 đến ít nhất là cuối tháng 4, Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ để dư đồng USD cho các ngân hàng thương mại tiếp cận mỗi ngày, thay vì hàng tuần.

Động thái của Fed và 5 ngân hàng trung ương đối tác được đưa ra nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, sau cuộc rút tiền ồ ạt khiến hai ngân hàng của Mỹ sụp đổ gần đây trong khi Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ cũng gặp khủng hoảng và bị đối thủ UBS thâu tóm.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng bất ổn thị trường do sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Signature khiến người dân gặp khó khăn hơn trong việc vay tiền. "Nếu các ngân hàng gặp áp lực, họ có thể e dè trong việc cho vay. Chúng ta có thể chứng kiến tín dụng trở nên đắt đỏ hơn và khó kiếm hơn", bà Yellen nói.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde hôm 16.3 cũng cho rằng căng thẳng kéo dài trong thị trường có thể làm giới hạn các điều kiện tín dụng, vốn đã bị siết chặt do việc tăng lãi suất.

Trong thông báo ngày 19.3, Fed và các ngân hàng trung ương cho rằng thỏa thuận trao đổi tiền tệ là công cụ hỗ trợ thanh khoản quan trọng giúp giảm sức ép cho thị trường vốn toàn cầu, giúp giảm tác động của sức ép đó đối với việc cung cấp những khoản vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.