(TNO) Trước khi bước vào giải Madrid Open 2013, Kei Nishikori chỉ từng đánh bại một tay vợt trong tốp 40 thế giới trên sân đất nện. Đó là Mardy Fish, tay vợt Mỹ chẳng mấy thích thú với mặt sân này, tại Houston (Mỹ) cách đây vài năm. Đêm qua, Nishikori tạo một bất ngờ lớn: hạ Roger Federer, huyền thoại đang đứng ở vị trí số 2 thế giới, đương kim vô địch của giải đấu.
>> Nishikori hạ bệ thần tượng Federer ở Madrid Open 2013
>> Azarenka, Kvitova sớm chia tay Madrid Open 2013
>> Djokovic gục ngã ngay tại vòng 2 Madrid Open 2013
|
Từ đầu năm nay, Federer đã thua vài trận. Các trận thua trước Andy Murray, Rafael Nadal và Tomas Berdych khá bình thường. Trận thua Julien Benneteau ở Rotterdam là khá sốc. Vẫn biết với một tay vợt khi đã ở tuổi 32, học chấp nhận thất bại là chuyện thường nhưng thất bại trước Nishikori là một điều gì đó rất sốc.
Sốc ở chỗ sau khi chơi khá khinh suất ở ván đầu và thua 4/6, Federer đã lấy lại lối chơi bậc thầy của mình và thắng 6/1 sau 32 phút. Nhưng đến ván cuối, anh chơi rất hiền lành, rồi gác vợt 2/6. Anh chơi như thể trái tim của anh trống rỗng, không có bất kỳ khát vọng gì. Thống kê sau trận cho thấy Federer 7 lần lên lưới và ghi cả 7 điểm, tại sao anh không tiếp tục lên lưới?
Federer luôn nói rằng anh sẽ duy trì thể lực, phong độ để có mặt tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Anh tiếp tục có mặt trên các sân đấu vì tình yêu với quần vợt, công việc mà anh thích làm nhất trên đời. Đúng là anh chẳng còn gì phải chứng tỏ nữa khi nhìn vào các kỷ lục anh đã thiết lập trong làng banh nỉ thế giới. Nhưng trong ván cuối ở trận gặp Nishikori qua, tình yêu đó không tồn tại.
Nếu Federer thật sự yêu quần vợt, anh phải học tập từ chính người bạn thân của anh là Tommy Haas. Đến 2016, Federer 35 tuổi, bằng với tuổi Haas bây giờ. Mà Haas vẫn chơi tuyệt hay, đánh bại cả Novak Djokovic tại giải Miami Masters cuối tháng 3 vừa qua.
Năm ngoái, Haas xếp hạng 137 thế giới trước khi bước vào giải Roland Garros (do nghỉ thi đấu để điều trị chấn thương một thời gian dài), anh xin một suất đặc cách dự giải nhưng ban tổ chức Roland Garros không cho. Haas không nản, chơi từ vòng loại vào vòng chính 6 trận trước khi thua Richard Gasquet ở vòng 3. Giờ thì Haas đã gần trở lại top 10 thế giới rồi.
|
Nếu ở tình cảnh như Haas thì Federer có chấp nhận đánh từ vòng loại để được có mặt tại một giải Grand Slam hay không? Rất khó. Vì ngoài tình yêu quần vợt, một tay vợt (nhất là những tay vợt hàng đầu) có tình yêu với chính hình ảnh của mình rất lớn.
Người ta nói “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Nghĩa là mỹ nhân cũng như danh tướng, đều không muốn thiên hạ thấy hình ảnh tiều tụy của mình khi về già, chỉ muốn thiên hạ nhớ đến hình ảnh của họ trong thời kỳ rực rỡ sắc đẹp và oai hùng mà thôi.
Federer từ năm 2003 đến nay chưa từng bị đẩy ra khỏi tốp 4 tay vợt hàng đầu thế giới. Liệu anh có chấp nhận được việc anh bị văng ra khỏi tốp này để rồi phải đụng độ với Nadal, Djokovic hay Murray ở vòng tứ kết, thậm chí là vòng 4, vòng 3 ở các giải Grand Slam? Liệu Federer có chịu hài lòng như Pete Sampras, xếp hạng 17 thế giới trước giải Mỹ mở rộng 2002, giải Grand Slam cuối cùng huyền thoại này chơi và đăng quang?
Những tưởng sau 7 tuần nghỉ thi đấu, đóng cửa tập luyện và vui vầy bên vợ con, khát vọng thi đấu của Federer lớn trở lại. Nhưng điều đó không tồn tại ở Madrid Open. Hy vọng trận thua Nishikori càng nung nấu khát vọng trong Federer lớn hơn và được anh mang ra thể hiện tại giải Rome Masters tuần tới.
Anh phải đấu để lấy từng điểm một đặng duy trì một vị trí trong tốp 4. Anh phải đấu để thể hiện sự trung thành với tình yêu quần vợt của anh. Anh phải đấu để xóa sạch dấu vết “sự tàn tạ của Federer đã bắt đầu” như người ta đang xì xào. Và đấu với cả một trái tim đong đầy khát vọng.
Khúc Dương
Bình luận (0)