(TNO) Hồi ký Alex Ferguson (Nhà xuất bản Trẻ phát hành, tên gốc tiếng Anh Alex Ferguson: My autobiography) là cuốn sách hấp dẫn về vị huấn luyện viên xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Liên hiệp Anh.
>> Alex Ferguson vẫn kiếm được tiền khủng sau khi nghỉ hưu
>> Dù bị chỉ trích David Moyes vẫn cảm ơn Sir Alex Ferguson
>> Sir Alex Ferguson sang Thái Lan truyền bí quyết huấn luyện
|
Cuốn sách gồm 25 phần, từ những ngày của Alex Ferguson ở Govan, một khu đóng tàu tại Glasgow, Scotland cho đến khi ông giành cúp châu Âu đầu tiên cho CLB Aberdeen rồi sau đó, trở thành một tượng đài ở CLB Manchester United (M.U) với 27 năm rực rỡ.
Bằng cách kể chuyện lôi cuốn, Sir Alex cho người đọc biết bằng cách nào ông đã biến CLB M.U thành một thế lực thể thao mang tầm thế giới, về việc đào tạo một đội ngũ tài năng với những ngôi sao như Ryan Giggs, David Beckham, Nicky Butt, Paul Scholes, anh em nhà Neville. Đặc biệt thú vị là phần nói về "mối thâm thù” trong bóng đá giữa CLB M.U với những đại kình địch như Liverpool, Arsenal, Chelsea hay gần đây là Manchester City. Với nét hóm hỉnh pha lẫn cay độc, tác giả cũng kể về mối quan hệ sóng gió với đồng nghiệp nổi danh như Jose Mourinho và Arsene Wenger, mà TNO lược trích dưới đây.
Đối phó Mourinho
|
Năm 2004, Jose Mourinho nhậm chức huấn luyện viên trưởng CLB Chelsea với tuyên bố: “Tôi là người đặc biệt”. Tuy nhiên lúc đó, Mourinho trong mắt Ferguson chẳng qua chỉ là “một cậu trẻ hỗn láo” mà thôi.
Thế nhưng sau khi tìm hiểu và quan sát cách Mourinho "cưỡi lên làn sóng kỳ vọng do chính cậu ta tạo ra như thế nào", về cách mà Mourinho từ Porto tới London để làm việc cho tỉ phú Roman Abramovich, ông đã nhận ra rằng không nên đưa đối phương vào một cuộc tâm lý chiến. "Tôi sẽ phải tìm một cách khác để đối phó với cậu ta".
Trước đó, Ferguson đã đụng độ Mourinho trong khuôn khổ Champions League mùa giải 2003-2004, khi Porto loại M.U. Cuối trận lượt đi, Ferguson đã tranh cãi với Mourinho mà theo ông, bắt nguồn từ các pha ăn vạ của cầu thủ Porto. Thừa nhận là mình đã "hơi quá", Ferguson giải thích rằng nguyên do là ông có thành kiến với bóng đá Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, sau đó ông nhận ra Mourinho là người "rất hữu ích và cởi mở. Tôi nghĩ rằng cậu ta cũng nhận ra mình đang tiếp xúc với một người đã trải qua tất cả những thái cực cảm xúc trong các trận đấu, từ đó cũng rất thích trò chuyện với tôi". Và sau trận lượt về trên sân Old Trafford với kết quả chung cuộc M.U bị loại, ông đã đến bắt tay chúc mừng Mourinho.
"Lần kế tiếp khi xuất hiện tại Old Trafford, cậu ta mang theo một chai rượu vang của riêng mình, hiệu Barca-Velha (thói quen này sau đó trở thành “truyền thống” giữa chúng tôi). Không hiểu sao mà rượu vang Chelsea dở khủng khiếp như vậy! Có lần tôi nói với Abramovich, “Đó là nước tẩy sơn.” Tuần sau ông ta gửi cho tôi một hòm rượu Tignanello. Đây đúng là loại tuyệt hảo, ngon không chê vào đâu được", Ferguson viết trong hồi ký.
Dưới triều đại Mourinho, Chelsea đã trở thành một đội bóng được tổ chức tốt và cực kỳ khó bị đánh bại. Ferguson thừa nhận sau khi đội bóng của ông đã không giành được một trận thắng nào tại Stamford Bridge thời điểm đó. Về việc Mourinho chạy như bay ngoài đường biên tại sân Old Trafford khi Chelsea chiến thắng mà nhiều người cho là lố bịch, Ferguson cho biết ông cũng đã từng làm vậy. "Tôi ngưỡng mộ những người biểu lộ cảm xúc của họ, vì điều đó cho thấy họ có quan tâm".
Ngoài ra Mourinho trong mắt Ferguson còn là "một người dễ thương với những ai hiểu rõ cậu ta, một người có khả năng tự trào, tự biến mình thành một trò đùa. Tôi không biết liệu Wenger hay Benitez có khả năng đó không".
Cạnh tranh với Wenger
|
Theo Ferguson, Arsene Wenger là một người điềm tĩnh, là một bạn đồng hành tốt và cả hai có thể trò chuyện cùng nhau về rượu và nhiều điều khác trong cuộc sống. "Nhưng khi đụng tới đội bóng của Arsene - hoặc liên quan tới chuyện thi đấu - ông ta là một người hoàn toàn khác".
Wenger chính là người nổ phát súng đầu tiên khi ông chỉ trích Ferguson, về việc huấn luận viên M.U phàn nàn về lịch thi đấu. Ferguson lập tức phản pháo: “Arsene chỉ vừa mới cập bến từ Nhật Bản, ông ta thì biết gì chứ?”.
"Mối thâm thù" của hai huấn luyện viên xuất sắc kéo dài trong nhiều năm, từ cuối những năm 90 đến những năm đầu thiên niên kỉ mới. Dễ hiểu khi trong suốt thời gian này, giải Ngoại hạng Anh chỉ là cuộc tranh chấp tay đôi của 2 CLB M.U và Arsenal. Đỉnh điểm là "vụ pizza" tại sân Old Trafford.
Ferguson kể lại, đó là khi Ruud van Nistelrooy vào phòng thay đồ và "méc" rằng mình đã bị Wenger chỉ trích khi rời sân. Bênh học trò, ông lập tức lao ra ngoài và nói với Wenger: “Để các cầu thủ của tôi yên”. Theo Ferguson, lúc đó Wenger "giận tím gan. Tay ông ta nắm chặt lại". Khi đó Sir Alex đang ở trong phòng thay đồ của đội khách, có rất nhiều thức ăn như pizza, gà rán... theo truyền thống của các CLB bóng đá Anh.
"Điều tiếp theo tôi được biết là người tôi đầy pizza... Nhiều người nói rằng chính Cesc Fabregas là kẻ đã ném pizza vào tôi, nhưng cho tới hôm nay, tôi vẫn không biết ai là thủ phạm cả. Hàng lang bên ngoài phòng thay đồ biến thành một đám đông hỗn loạn". Theo Ferguson, trước khi gặp M.U ngày hôm đó, Arsenal đang có thành tích 49 trận bất bại và hy vọng biến con số đó thành 50 trên sân Old Trafford. "Theo tôi thấy, dường như việc thua trận đấu đó đã làm Arsene phát điên".
Ferguson có đủ lý do để căm ghét Wenger, tuy nhiên ông tỏ ra công bằng khi đánh giá lối chơi bóng của đại kình địch: "Trái với Chelsea, Arsenal luôn chơi rất trung thực, thẳng thắn. Arsenal đã có những án phạt tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá dưới thời Arsene thời kỳ đầu, nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể nói rằng họ là những cầu thủ chơi bẩn hay một đội bóng xấu chơi. Steve Bould và Tony Adams chơi rất rắn - mọi người đều biết điều đó. Họ sẽ luôn luôn lao đến sau lưng bạn. Nhưng thực chất, đội bóng của Arsene không bao giờ chơi bẩn cả. Xông xáo và có phần ngây thơ là những từ ngữ chính xác hơn để mô tả về Arsenal".
"Có lần tôi hỏi Eric Cantona, “Wenger là người thế nào?” Eric trả lời tôi, “Tôi nghĩ ông ta quá thiên về phòng ngự.” “Ồ, đúng rồi.” Tôi nghĩ vậy. Và cách Arsene bắt đầu ở Arsenal là một hàng hậu vệ gồm năm người. Nhưng khi bạn nhìn vào các đội hình của Arsene bây giờ, bạn không thể nào nói rằng các đội hình của Wenger thiên về phòng ngự. Do đó lời nhận xét năm nào của Eric vẫn làm tôi thấy buồn cười".
Và cũng như những cao thủ võ lâm một đời tranh đấu với nhau nhưng đến khi gác kiếm lại trở thành bằng hữu, ông viết: "Cuối cùng thì Arsene và tôi đã rất thân thiết với nhau. Chúng tôi đã cùng tồn tại trong thế giới bóng đá, tôn trọng những nỗ lực của nhau nhằm chơi một thứ bóng đá đẹp mắt".
"Và tôi nhắc lại một lần nữa, tôi sẽ chẳng thể làm gì khác ngoài việc cạnh tranh với Arsene, đối thủ của tôi trong suốt 17 năm!".
Vài nét về Sir Alex Ferguson: Alex Ferguson sinh năm 1941 ở Govan, Scotland. Khi còn thi đấu, ông đá ở vị trí trung phong, và từng được chuyển nhượng tới Rangers, CLB bóng đá mà ông hâm mộ từ lúc nhỏ, với giá chuyển nhượng kỷ lục tại Scotland thời đó là 65.000 bảng. Bắt đầu sự nghiệp huấn luyện từ 1974, ông từng làm việc tại các CLB East Stirlingshire và St Mirren trước khi gặt hái thành công ở Aberdeen với chiến thắng tại Cúp C2 châu Âu mùa 1982-1983. Gia nhập Manchester United từ năm 1986, vị HLV lỗi lạc này đem về cho CLB 38 danh hiệu, trong đó có vô địch Giải bóng đá thế giới các câu lạc bộ, 2 lần vô địch Champions League, 13 lần vô địch Premier League, 5 cúp FA. Tổng cộng, với 49 danh hiệu trong suốt sự nghiệp, Alex Ferguson là huấn luyện viên thành công nhất mọi thời đại tại vương quốc Anh. Alex Ferguson được phong tước Hiệp sĩ (Sir) vào năm 1999. Năm 2013 ông tuyên bố từ giã sự nghiệp huấn luyện, cùng năm đó Manchester United tiếp tục là nhà vô địch tại Premier League. Hiện nay, tuy đã 71 tuổi, ông vẫn làm việc tại Manchester United trên cương vị một giám đốc. |
Nhất Tiếu (lược trích)
Bình luận (0)