Câu chuyện tỉnh Đồng Tháp từ chối đăng cai Festival Lúa gạo lần 3 như một tia lửa rọi sáng “nỗi đau lặng thầm” lâu nay ở nhiều địa phương - mà trong đó đa phần là do doanh nghiệp gánh chịu.
Câu hỏi đặt ra là Festival có cần thiết không? Một đất nước xuất khẩu gạo số một trên thế giới thì Festival lúa gạo là rất phù hợp để vinh danh nghề nông. Tuy nhiên, ai là người hưởng lợi từ sự kiện này? Hai kỳ Festival vừa qua đều cho thấy đây là những cuộc chơi của chính quyền để thể hiện năng lực tổ chức sự kiện tầm cỡ và nhân cơ hội tiếp thị địa phương mình. Bên cạnh đó (và là mục tiêu chính) còn là cuộc chơi của các nhà kinh doanh lương thực để có nơi khoe hàng và chào bán. Cụ thể, người hưởng lợi lớn nhất từ gạo Việt Nam nói riêng và lương thực Việt Nam nói chung chính là các tổng công ty lương thực; kế đến là các ngân hàng cho vay kinh doanh lương thực, cùng vô số các công ty lương thực, dịch vụ nông nghiệp khắp nước. 20 tỉ đồng bỏ ra để tổ chức sự kiện là gánh nặng quá lớn đối với một địa phương, nhưng lại chẳng là gì so với lợi nhuận mà các vị đang hưởng lợi từ hàng triệu tấn gạo bán đi mỗi năm. Trong khi đó, nông dân - lực lượng quan trọng nhất - chỉ là khách tham quan bên lề.
Thử nhìn sang lĩnh vực du lịch: Hội chợ Du lịch quốc tế thường niên tại TP.HCM được biết đến với tên gọi ITE-HCMC là một điển hình của sự thành công của hội chợ triển lãm chuyên ngành và chưa bao giờ là gánh nặng cho địa phương cũng như doanh nghiệp tham gia mặc dù cũng cực kỳ tốn kém. ITE-HCMC luôn là sự kiện được giới du lịch cả nước mong đợi hằng năm. Dù tham gia hay không thì ai cũng muốn có mặt. Gần 10 năm qua, công chúng ít biết đến sự kiện lặng lẽ nhưng rất náo nhiệt này. Chính cách làm sự kiện đã quyết định giá trị để từ đó cứ đến hẹn lại lên: Ngay từ trước giờ khai mạc, hoạt động mua bán diễn ra liên tục với các quy chuẩn nghiêm ngặt. Ít người ngờ rằng vừa rời ITE năm nay, ban tổ chức và doanh nghiệp tham dự đã chuẩn bị ngay cho ITE năm tới.
Lễ hội, sự kiện… là cần thiết cho đời sống văn hóa nếu chuyện của ai người ấy lo. Đã qua rồi cái thời hội chợ, triển lãm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và giải trí của người dân nên nhà nước đã đúng khi không chấp nhận bỏ ra ngân sách cho việc “ăn chơi nhảy múa” nữa. Giả sử, sau mỗi Festival, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tại chỗ cũng được hưởng lợi thực sự thì không thể có cảnh rất “hoàn cảnh” khi vận động kinh phí như lời than của vài lãnh đạo địa phương vừa qua. Festival vẫn rất cần, và ai cần thì xin bỏ tiền ra.
Kiều Nương
Bình luận (0)