- Tác giả Flappy bird: Gỡ bỏ vì trò chơi “gây nghiện”
- Đấu giá tiền tỉ cho iPhone cài Flappy bird chỉ là trò hề?
- Clip vui: Flappy bird đã “hại đời” game thủ như thế nào?
- Cảm hứng cho game Việt
Thay vì biến Flappy bird thành niềm tự hào cho đất nước, một cơ hội để thế giới nhìn vào ngành game Việt Nam với sự ngưỡng mộ, cũng như giúp dư luận có cái nhìn thiện cảm hơn với ngành công nghiệp non trẻ, một số người làm truyền thông lại quay sang “xâu xé” và gián tiếp khai tử chú chim bé nhỏ Flappy bird để rồi sau đó đổ lỗi cho công chúng.
Phải thừa nhận rằng người viết không phải là tín đồ của Flappy bird hay biết đến “chú chim môi dày" này đầu tiên. "Chúng tôi" gặp nhau lần đầu ngay trên ghế salon nhà tôi trong dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi. Lúc ấy tôi đang tận hưởng không khí gia đình quý giá sau một năm dài làm việc ở Sài Gòn. Bất chợt, nhìn sang đứa em gái đang chăm chú nhấp vào màn hình điện thoại, tôi gặp ngay hình ảnh “chú chim môi dày” đang nhảy theo từng cú chạm của ngón tay để lách qua khoảng trống giữa các ống xanh. Và chỉ vài ngày sau tôi biết đó là Flappy bird, chú chim đang được cả thế giới tung hô và ngay cả báo chí trong nước cũng “săn đón”. Cho đến lúc này, Flappy bird vẫn chưa thu hút được sự chú ý của tôi mãi cho đến vài ngày sau đó…
“Teen Arrested For Killing Brother Over ‘Flappy bird’ Game” – “Cái quái gì thế này? À chỉ là tin vịt”, tôi thở phào nhẹ nhõm khi tìm được câu trả lời cho một bài báo giật gân liên quan đến án mạng và có sự góp mặt của Flappy bird. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, cái tin giả mạo này đã được các trang tin, đặc biệt có cả trang tin game trong nước dịch lại với cái tít kinh hoàng: “17 nhát dao oan nghiệt vì Flappy bird”.
Tin vịt trên báo nước ngoài được đăng lại rất nhanh nhưng thiếu kiểm chứng cẩn thận
Đầu tôi nóng bừng, mặt đỏ gay và muốn... chửi thề liên tục. Tôi không hiểu nổi tại sao họ (những trang tin game) lại làm vậy? Hay niềm vui sướng khi chứng minh thành công câu mỉa mai “Người Việt nói một đằng làm một nẻo” lớn hơn cả việc dẹp bỏ sự kỳ thị của xã hội dành cho ngành game (vốn được họ than vãn liên tục trong các cuộc trò chuyện).
Không dừng lại ở đó, những ngày tiếp theo là chuỗi dài những bài viết với xu hướng ngày càng xa rời mặt tích cực để đến với mặt tiêu cực. “Sử dụng ‘ống khói Mario’, Flappy bird có thể mất 6 tỷ USD”, “Flappy bird gian lận để nổi tiếng”, hay thậm chí là "Tin đồn tác giả Flappy bird tự sát", v.v. Và như kết quả tất yếu, tác giả Hà Đông đã quyết định gở bỏ Flappy bird ra khỏi kho ứng dụng Google Play lẫn Apple Store vào ngày 10.2, chấm dứt hành trình ngắn ngủi “đắng nhiều hơn ngọt” của chú chim “môi dày”.
Và lúc này, mọi người bắt đầu tiếc nuối, giới truyền thông quay sang đổ lỗi cho công chúng. Các bài viết đại loại như “Flappy bird và ‘thói ném đá hội đồng’ của người Việt”, “Cộng đồng game thủ Việt đang xấu đi với tâm lý bầy đàn” được tung ra để trách móc và bày tỏ sự thất vọng dành cho công chúng.
Một tin đồn khác có thể đã khiến Đông chịu nhiều áp lực
Nhưng đợi đã! Hình như các bạn quên cái gì đó! Các bạn quên rằng đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như những người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, họ không kiên định, thất thường, và thường xuyên đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Đám đông (hay công chúng) cần một “người” dẫn đầu, một “người” dẫn dắt và cho bản năng của họ một ý nghĩa! Và vai trò này vốn đã được đặt lên vai những người làm truyền thông từ rất lâu.
Theo nhiều nghiên cứu, truyền thông và dư luận xã hội có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng chặt chẽ tới nhau. Truyền thông là cửa ngõ cung cấp thông tin, phản ánh sự việc, từ đó khơi nguồn dư luận xã hội và có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại, nơi phần lớn dư luận được châm ngòi từ truyền thông. Vậy nên, thay vì đổ lỗi, những người làm truyền thông nên chấp nhận đây là thất bại của mình.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, có sử dụng lý luận về “Đám đông” của Gustave LeBon (nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Pháp)
Bình luận (0)