Formosa 'nổi tiếng' phá hoại môi trường nhiều nơi trên thế giới

30/06/2016 17:21 GMT+7

Tập đoàn đa quốc gia Formosa Plastics (Đài Loan) có hồ sơ "đen" dày đặc về hoạt động xả chất thải độc hại, phá hoại môi trường ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Campuchia, Đài Loan.

Vào năm 2009, một tổ chức môi trường Đức là Quỹ Ethecon - tự tuyên bố là một tổ chức vì đạo đức và kinh tế - đã bình chọn và trao giải “Hành tinh Đen năm 2009” cho Formosa Plastics và tập thể lãnh đạo Formosa vì hành động thải chất độc hại ra môi trường của tập đoàn này tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong báo cáo dài 28 trang công bố ngày 21.11.2009, Quỹ Ethecon “kể tội” chi tiết những hành động phá hoại môi trường của Formosa, đe dọa sức khỏe, mạng sống những người dân sống gần nhà máy của Formosa.
Chẳng hạn ở Mỹ, tại bang Texas và Louisiana, các nhà máy của Formosa bị phát hiện chôn chất thải độc hại xuống lòng đất, gây ô nhiễm nước ngầm và thậm chí thải những chất độc hại xuống sông Mississippi.
Một nhà máy của Formosa ở bang Texas, Mỹ  Victoriaadvocate
Vào năm 2000, Formosa phải đóng phạt cho bang Texas 150.000 USD vì gây ô nhiễm môi trường. Trong thập niên 1980, nhà máy của tập đoàn này bị phát hiện xả 63 tấn chất độc hại ethylendichloride vào khu dân cư ở Texas.
Đến tháng 1.2009, các nhà khoa học ở Texas tiến hành đo lượng chất độc hại trong không khí và đất đai gần các nhà máy của Formosa. Các nông dân nuôi bò ở gần nhà máy của Formosa tại Texas báo cáo với chính quyền bang về các hiện tượng bò sụt cân, bò con sinh ra chỉ có ba chân, bò có phôi thai chết và chết yểu… xảy ra ngày càng nhiều. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ tiến hành nghiên cứu, đo đạc chất thải độc hại trong đất và không khí gần nhà máy của Formosa, phát hiện 43 chất độc hại, trong đó có nhiều chất gây ung thư.
Phản ứng trước việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nước, không khí và đất nghiêm trọng ở Texas và Louisiana, cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 30.9.2009 ra quyết định xử phạt Formosa 13 triệu USD để khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường.
Cá chết hàng loạt dạt vào bãi biển TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tháng 4.2016, được cho là do nhà máy của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả thải gây ra Nguyên Dũng
Ngay tại Đài Loan, mặc dù có công đóng góp lớn cho sự phát triển về kinh tế và công nghiệp hóa cho lãnh thổ này, nhưng Formosa lại “nổi tiếng” với thương hiệu tập đoàn phá hoại môi trường, theo chuyên san The Diplomat ngày 30.4. Formosa nằm trong danh sách top 10 công ty gây ô nhiễm môi trường nhất ở Đài Loan.
Cơ quan bảo vệ môi trường Đài Loan vào năm 2010 ra quyết định xử phạt Formosa 4,7 triệu USD vì nhà máy của tập đoàn này ở huyện Cao Hùng gây ô nhiễm nghiêm trọng đất và nước ngầm. Mặc dù phạt Formosa vì gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng đáng chú ý là cơ quan bảo vệ môi trường Đài Loan không yêu cầu tập đoàn này phải đóng cửa nhà máy ở Cao Hùng.
Các binh sĩ Campuchia trong trang phục chống độc di chuyển những chất thải độc hại nhiễm thuỷ ngân của Formosa Basel Action Network
“Nếu nhà máy này có thể xử lý những chất gây ô nhiễm và tiến hành dự án khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường vốn được chính quyền thông qua, thì việc yêu cầu ngừng hoạt động nhà máy là không cần thiết”, Chen Hsien-heng, Tổng giám đốc bộ phận bảo đảm chất lượng nguồn nước của Cơ quan bảo vệ môi trường Đài Loan cho biết, theo tờ Taipei Times ngày 21.4.2010.
Theo ông Chen, các điều tra viên phát hiện Formosa biết rõ nhà máy ở Cao Hùng gây ô nhiễm môi trường kể từ năm 2003 nhưng che đậy và không hề báo cáo với cơ quan chức năng, cũng như không có biện pháp khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường ở Đài Loan vẫn tiếp tục lên án Formosa, cho rằng mức phạt này chưa đủ để bồi thường những thiệt hại về môi trường, sức khỏe con người mà tập đoàn này đã gây ra.
Vào năm 1998, Formosa đưa 3.000 tấn chất thải độc hại (nhiễm thủy ngân vượt gấp nhiều lần so với mức cho phép, cực kỳ độc hại cho con người) đến cảng thành phố Sihanoukville, Campuchia, với âm mưu để số chất thải này xuống biển. Khối chất thải này khiến nước biển, đất tại đây bị nhiễm độc và nhiều người dân sống gần cảng bắt đầu bị bệnh; sau đó có 5 người tử vong. Vụ việc này đã châm ngòi làn sóng bạo loạn phản đối, theo đài BBC.
Gần 1.000 người dân Sihanoukville rời nhà, tham gia tuần hành và biểu tình phản đối Formosa ở thủ đô Phnom Penh.
Chính phủ Campuchia sau đó cáo buộc Formosa hối lộ cho chính quyền địa phương 4 triệu USD để được cấp phép đem chất thải đến Sihanoukville. Hậu quả là 30 quan chức địa phương bị kỷ luật và buộc phải từ chức, nhưng chỉ có ba quan chức bị truy tố, BBC cho hay.
Formosa sau đó lên tiếng xin lỗi người dân Campuchia, và dưới áp lực của chính phủ nước này đã phải chuyển khối chất thải độc hại trở về Đài Loan. Thậm chí đến nay nhiều người dân Campuchia vẫn còn mắc nhiều căn bệnh do số chất thải độc hại ở Sihanoukville gây ra, và các nhà hoạt động vì môi trường gọi đây là “một thảm họa bị lãng quên”.
“Mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Đài Loan và các quốc gia khác, nhưng ban lãnh đạo tập đoàn này không hề thay đổi các chính sách của họ. Những người này phải chịu trách nhiệm cho những hành động tội ác đối với xã hội và môi trường”, theo nhận xét của Quỹ Ethecon.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.