Hơn lúc nào hết, người dân ở đây mong muốn được xử lý nghiêm thủ phạm gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng đó và được đền bù thỏa đáng.
Thiệt hại nặng nề
Tại Quảng Bình, hiện tượng cá biển chết bất thường dạt vào bờ xuất hiện từ ngày 10.4 tại bờ biển xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch sau đó lan rộng xuống phía nam đến các xã Ngư Thủy, H.Lệ Thủy. Sự việc bắt đầu rộ lên từ ngày 16.4, khi tại TP.Đồng Hới, cá chết dạt vào dày đặc. Cơ quan chức năng sở tại vào cuộc ghi nhận tình hình, lấy mẫu gửi xét nghiệm và báo cáo lên cấp cao hơn.
|
Kể từ đó, tình hình đánh bắt, mua bán thủy hải sản, kinh doanh dịch vụ, du lịch…tại Quảng Bình rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng có. Ngư dân không thể ra khơi, hải sản đánh bắt về không ai mua, người tiêu dùng thèm đồ biển cũng không dám sử dụng, không ai đi tắm biển…Tất cả mọi hoạt động gần như bị ngưng trệ. Du lịch Quảng Bình đang phất lên như diều gặp gió, tỉnh xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn thì bỗng im bặt.
Với chiều dài bờ biển hơn 116 km và địa hình bề ngang hẹp nên gần như mọi hoạt động ở Quảng Bình đều gắn liền với biển. Biển là tiềm năng và lợi thế du lịch rất lớn của Quảng Bình. Thành phố biển Đồng Hới trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí của du khách sau những tour tuyến tham quan hang động, tâm linh.
Khi xảy ra sự cố, du khách tránh biển, hàng loạt đoàn hủy tour; người dân địa phương cũng tránh vì sợ độc tố. Vụ việc xảy ra đúng mùa du lịch cao điểm nên thiệt hại rất lớn. Không có khách kéo theo hàng loạt dịch vụ đi kèm cũng đình trệ, ế ẩm; từ người bán mớ rau gia vị đến người làm nước đá, từ dịch vụ taxi đến xăng dầu…Ngư dân ấm ức đến nỗi mang cả mớ cá tươi rói mới đánh bắt về đổ hết ra đường.
|
Theo báo cáo của địa phương, đến gần cuối tháng 6.2016, tổng thiệt hại tại tỉnh lên đến 2.660 tỉ đồng; dự ước đến cuối năm là khoảng 4.000 tỉ đồng.
Phải tính đến lâu dài
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã có nhiều biện pháp trấn an, hỗ trợ, kích cầu nhưng tốc độ hồi phục từ sự cố vẫn rất chậm. Đến nay, hàng quán ven biển vẫn vắng vẻ, đã có người tắm biển nhưng cũng còn thưa thớt, hải sản bày bán ở các chợ không mấy người mua.
Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Lại Minh Tân ở thôn Trung Bính, X.Bảo Ninh, TP.Đồng Hới cho biết gia đình anh có 2 thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, khi xảy ra vụ việc phải cất đi 1 thuyền, thuyền còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu là đánh bắt về sử dụng. Anh Tân bảo: “Giờ không ăn thì biết ăn gì nữa, sống bám với biển mà; bán không mấy ai mua dù giá rất rẻ, nên lấy tiền đâu ra. Khi xác định được thủ phạm là Formosa rồi, chúng tôi mong được đền bù, hỗ trợ để có tiền ăn trong mấy năm nay đã, vì phải vài năm nữa mới ổn định được chứ giờ đi làm về không ai mua”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới nói: “Tôi mong muốn có những chính sách hỗ trợ cho các ngư dân bị thiệt hại, vì thiệt hại rất lớn và thời gian kéo dài”.
|
Về biện pháp xử lý đối với Formosa, ông Lê Đức Hạnh, một doanh nghiệp kinh doanh ở bãi tắm Nhật Lệ, TP.Đồng Hới, có ý kiến: “Cơ quan chức năng phải có biện pháp buộc nhà máy phải đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân, cho biển. Biển là cuộc sống của chúng tôi, đưa lại nhiều lợi ích, không có biển không sống nổi".
Cũng như các ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh nói: “Bất kể tổ chức hay cá nhân nào, gây ra ảnh hưởng môi trường thì phải làm sạch môi trường; gây ra thiệt hại cho người dân và các doanh nghiệp du lịch thì phải đền bù xứng đáng cho người dân và doanh nghiệp”.
Bình luận (0)