Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết thêm, trước khi Formosa vận hành trở lại, Bộ TN-MT đã cử đoàn công tác có lãnh đạo Tổng cục này vào trực tiếp theo dõi việc vận hành trở lại.
“Đoàn do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng dẫn đầu lên đường vào Hà Tĩnh từ cuối tuần trước giám sát việc vận hành Formosa trở lại. Đồng thời, việc Formosa vận hành trở lại cũng được giám sát online chặt chẽ 24/24 giờ. Cứ 5 phút/lần, sẽ lấy mẫu nước thải, khí thải để quan trắc. Nếu phát hiện có bất thường sẽ cho dừng ngay việc vận hành thử nghiệm”, ông Tùng cho biết.
Trước đó, ngày 10.5, Hội đồng liên ngành giám sát Formosa đã họp, xem xét, đánh giá toàn bộ quá trình khắc phục sự cố môi trường Formosa, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà và sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, UBND tỉnh Hà Tĩnh.
tin liên quan
Chưa khai thác hải sản tầng đáy gần bờ 20 hải lý ở 4 tỉnh miền TrungỞ tầng đáy vẫn có thể có tồn lưu ô nhiễm từ sự cố Formosa chưa hòa tan hết. Chưa khai thác hải sản tầng đáy gần bờ 20 hải lý ở 4 tỉnh miền Trung là để bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Tại cuộc họp này, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm, hoàn thành đủ 17 hạng mục bảo vệ môi trường mà Bộ yêu cầu bổ sung, như hồ sinh học, trạm quan trắc online, trạm xử lý sinh hóa, dự án thu gom xử lý nước mưa chảy tràn...
Bên cạnh đó, Hội đồng giám sát liên ngành cũng đánh giá kết quả của tổ giám sát liên ngành với sự tham gia của Bộ TN-MT, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành khác thực hiện từ tháng 7.2016 đến nay. Các thành viên hội đồng đều cho rằng, vấn đề môi trường ở Formosa đã được kiểm soát.
Từ những đánh giá đó, Hội đồng giám sát liên ngành đã kết luận đề nghị cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép trong 6 tháng. Hiện mỗi ngày đêm Formosa phát sinh 1.900 m3 nước thải sinh hóa từ lò luyện cốc.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 1 sẽ phát sinh thêm khoảng 300 - 500 m3/ngày đêm. Về khí thải, sẽ phát sinh một số loại như NOx, CO, Sox. Còn chất thải rắn, sẽ phát sinh chất thải thông thường, chất thải sinh hoạt, bùn thải nguy hại.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Tùng cho biết thêm, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã dần phục hồi. Gần đây, Bộ TN-MT có quan trắc lại và thấy rằng, rạn san hô đang dần phục hồi. “Tuy nhiên, để rạn san hô cũng như hệ sinh thái ở tầng đáy được như trước đây phải cần thêm thời gian. Do vậy, cơ quan chức năng mới yêu cầu vận động ngư dân không khai thác thủy hải sản tầng đáy khoảng cách từ 20 hải lý trở vào”, ông Tùng nói.
Bình luận (0)