Thường thì khi đã đặt chân đến thủ đô Manila, không ai không ghé thăm di tích này bởi tầm quan trọng lịch sử của nó cũng như qua đó hiểu thêm về đất nước và con người Philippines. Fort Santiago to lớn, ngạo nghễ hướng mặt ra biển như người lính canh bảo vệ thành phố, là biểu tượng khát khao tự do, và cũng là công trình tưởng nhớ những anh hùng Philippines bị cầm tù và hy sinh dưới ách xâm lược của Tây Ban Nha và Nhật Bản...
|
Năm 1571, khi đến cai trị Philippines, để chống lại sự phản kháng của người dân, người Tây Ban Nha đã xây lên một khu vực phòng thủ bên trên cửa sông Pasig với hào sâu và tường thành bao quanh một khu vực rộng tới 64 ha tại thị trấn cổ Intramuros thuộc Manila. Ban đầu, khu tường thành này được làm bằng gỗ. Đến năm 1590, Tổng đốc đầu tiên của Manila là ông Santiago đã cho phá bỏ khu tường gỗ để xây lại tường thành bằng đá dày 10m, đồng thời xây thêm tháp canh và một pháo đài mang tên Fort Santiago. Chính nơi đây, người anh hùng dân tộc José Rizal - người Philippines mang dòng máu Tây Ban Nha đã bị giam cầm và trong những ngày cuối đời ở xà lim, ông đã viết tác phẩm My Last Farewell - một tác phẩm vô cùng nổi tiếng cùng với hai tác phẩm Noli me Tangere và El Filibusterismo đã đánh thức nhiều tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Ngày 30.12.1896, José Rizal bị chế độ cai trị Tây Ban Nha đem ra hành quyết. Phong trào đấu tranh đòi dân quyền càng bùng lên mãnh liệt, để rồi nước Cộng hòa Philippines ra đời vào năm 1898. Và từ đó trở đi, ngày 30.12 trở thành ngày lễ trọng đại trong năm tại đất nước này.
Phía trong cùng của pháo đài là ngục thất với các phòng giam biệt lập dùng để tra tấn tù nhân chẳng khác nào những chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo tại Việt Nam. Là tổng hành dinh của quân đội Tây Ban Nha trong suốt thời kỳ đô hộ, cũng như chứng nhân lịch sử của những cuộc chiến đẫm máu giữa Mỹ với Tây Ban Nha cuối thế kỷ 19, hay Mỹ với Nhật trong Thế chiến thứ 2..., Fort Santiago giờ đây bị hư hại phần lớn do bom đạn Mỹ dội xuống, tuy nhiên vẫn luôn là điểm hấp dẫn du khách mỗi khi có dịp đến đây.
Cẩm Nhung
Bình luận (0)