FPT Telecom đặt mục tiêu đưa eSports Việt Nam lên tầm cao mới

Thành Luân
Thành Luân
05/09/2024 16:15 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh, game và thể thao điện tử (eSports) sẽ nằm trong chiến lược sắp tới của công ty, thành nhà cung cấp dịch vụ internet số một cho game thủ và đưa eSports tại Việt Nam vươn tầm thế giới.

Hợp tác cùng đội tuyển game Team Flash, triển khai hạ tầng mạng cho nhiều sự kiện game lớn cùng việc phát triển các gói internet mới chuyên dụng cho game thủ là những điểm nhấn trong hoạt động của FPT Telecom từ đầu năm đến nay. Theo ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom, đơn vị này đang ấp ủ những dự định lớn trong việc góp phần xây dựng một nền tảng để eSports phát triển đạt tầm vóc quốc tế.

FPT Telecom đặt mục tiêu đưa eSports Việt Nam lên tầm cao mới- Ảnh 1.

Ông Hoàng Việt Anh trong trang phục đội tuyển game Team Flash

ẢNH: CTV

* Được biết anh vừa trở về từ giải vô địch Liên minh Huyền thoại Việt Nam - VCS Summer 2024 với vai trò đại diện nhà tài trợ hạ tầng internet cho giải đấu. Cảm xúc của anh như thế nào và mục tiêu của FPT Telecom là gì khi tham gia vào các hoạt động về eSports?

- Chỉ đến khi thực sự tham dự một giải thi đấu eSports đỉnh cao, tôi mới thấy nó hấp dẫn không thua kém bất cứ môn thể thao nào hiện nay, thậm chí còn sôi động hơn bởi hầu hết xung quanh đều là các bạn trẻ. Từ nhiều năm trước, khi nhìn vào giới trẻ, trong đó có cả con em của mình chơi game, tham gia vào những cộng đồng game và eSports qua internet, chúng tôi nhận thấy họ đang ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này. Khi đi thăm các nước có nền thể thao điện tử phát triển mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng tôi nhận ra nếu được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, đây là một ngành có tiềm năng rất lớn và người làm eSports hoàn toàn có thể sống tốt. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi quyết định đưa eSports vào chiến lược của mình, trở thành đòn bẩy để tạo thêm giá trị vào hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ của FPT Telecom, qua đó thu hút khách hàng mới và phục vụ các khách hàng cũ tốt hơn.

* Trực tiếp đồng hành cùng các giải eSports lớn như VCS Summer 2024 và sau một thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, anh đánh giá thế nào về lĩnh vực eSports tại Việt Nam?

- Trước hết cần phân biệt game online và eSports. Cùng là chơi game nhưng eSports có thể nói là ở tầm cao hơn khi có thi đấu giải. Khi ra ngoài học hỏi và nói chuyện với các đối tác quốc tế, chúng tôi cũng rất bất ngờ khi họ ấn tượng với cộng đồng fan Việt Nam. Riot Games cho biết trong các cuộc thi đấu của các môn như Liên minh Huyền thoại, Valorant, số người xem từ Việt Nam luôn nằm trong top 3 thế giới. Lượng người xem đông đảo là nền tảng cực kỳ tốt, nhưng để eSports phát triển thì cần các yếu tố khác nữa là các đội chơi, hệ thống thi đấu dần lên chuyên nghiệp. Nhìn lại, eSports mới thành hình ở Việt Nam chưa lâu và hệ thống thi đấu của Việt Nam vẫn khá sơ sài nếu so với mặt bằng chung các môn thể thao truyền thống. Đây là bài toán cần giải. Từ VCS Summer 2024 và các giải đấu mà FPT Telecom đã đồng hành thời gian qua, chúng tôi tham vọng Việt Nam cũng sẽ có những giải đấu mang tầm vóc quốc tế. Vừa rồi FPT Telecom đã ký hợp tác với Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA). Chúng tôi sẽ cùng các bên nghiên cứu để cấu trúc lại các giải đấu, tiến tới phát triển các giải đấu có tính chuyên nghiệp nhất có thể.

* FPT Telecom đã làm gì cho chiến lược nâng tầm eSports Việt Nam?

- Khi nói tới quy mô quốc gia, đầu tiên chúng tôi phải nghĩ tới việc hợp tác toàn diện với các cơ quan, tổ chức của nhà nước Việt Nam đóng vai trò quyết định trong việc phát triển eSports tại nước ta. Vì vậy trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã có những hợp tác phối hợp chặt chẽ cùng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam. Với FPT Telecom thì nhiệm vụ quan trọng nhất là cung cấp hạ tầng đường truyền cho thi đấu, tiếp đó là sản xuất và truyền tải các nội dung của các giải đấu. Quá trình làm việc với các đối tác eSports giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về nhu cầu với các sản phẩm và dịch vụ. Họ có những yêu cầu khắt khe về chất lượng đường truyền, hạ tầng kết nối, trang thiết bị. Điều này cũng giúp chúng tôi nắm rõ được những yếu tố góp phần tạo nên một trận đấu thành công, từ đó hoàn thiện hơn các gói dịch vụ cho người dùng.

FPT Telecom hiện tập trung phát triển hạ tầng kết nối trong và ngoài nước với chất lượng cao nhất để đảm bảo thành công của các giải đấu. Sắp tới, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ không chỉ tổ chức giải đấu tập trung, mà còn làm giải đấu online. Hạ tầng kết nối cho các điểm thi đấu sẽ được FPT Telecom cung cấp, trong khi khán giả có thể theo dõi trận đấu với FPT Play. Bên cạnh đó, FPT Telecom sẽ tăng cường hợp tác với các đội eSports chuyên nghiệp để cùng nhau phát triển hệ thống thi đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu cạnh tranh ở khu vực và thế giới. Trong thời gian vừa qua, hợp tác trực tiếp giữa FPT Telecom và đội tuyển game Flash đã có những kết quả tích cực. Chúng tôi cũng trao đổi với GAM Entertainment trong việc hợp tác về sản xuất nội dung cũng như lĩnh vực giáo dục.

FPT Telecom đặt mục tiêu đưa eSports Việt Nam lên tầm cao mới- Ảnh 2.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh chung vui cùng đội vô địch giải VCS Summer 2024

ẢNH: CTV

* Xác định việc cung cấp hạ tầng kết nối nhằm đảm bảo đường truyền cho các giải đấu eSports là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của FPT Telecom, các anh đã làm gì và đạt được kết quả thế nào?

- Câu chuyện dùng internet chơi game không phải mới, gần như từ ngày đầu có internet. Nhưng càng ngày, độ phức tạp của game càng tăng, đòi hỏi tốc độ đường truyền, độ trễ, độ ổn định cao, nhất là khi chơi những môn có tính chiến thuật hoặc thi đấu theo đội. Nhìn thấy xu thế trên, FPT Telecom đã chuẩn bị cho việc này từ hai năm trước. Một mặt, chúng tôi nâng cấp hệ thống hạ tầng, bao gồm cả kết nối trong nước và quốc tế. Người chơi eSports có thể thi đấu với đối thủ từ bất cứ nơi nào trên thế giới qua kết nối internet, đồng thời một số game đặt máy chủ ở nước ngoài. Đến nay, FPT Telecom đã nâng gần gấp đôi băng thông quốc tế, đồng thời đảm bảo tính ổn định bằng cách đầu tư cân bằng 50 - 50 cả đường truyền qua cáp quang biển và đất liền.

Mặt khác, chúng tôi cũng thiết kế các gói thuê bao chuyên biệt cho game thủ như F-Game, tính năng UltraFast cho phép tối ưu kết nối cao nhất khi chơi game. Internet dành cho game thủ của FPT Telecom không chỉ có đường truyền, mà còn có modem Wi-Fi6 đảm bảo tốc độ cao, độ phủ lớn, kết hợp giải pháp an toàn an ninh mạng. Khi có nền tảng rồi thì làm sao đưa tới tay người dùng? Những chiến dịch triển khai thông qua các hoạt động cộng đồng, giải thi đấu là một phần nỗ lực của FPT Telecom để đưa giải pháp tới cộng đồng game thủ. Việc này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

* Động lực nào giúp FPT Telecom có thể tự tin với mục tiêu này?

- Trong hành trình này chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi có niềm tin rất lớn rằng đây sẽ là trận tiếp theo chúng tôi phối hợp tốt với nhau để “make things happen”.

Có ba điều giúp FPT Telecom có thể tự tin với mục tiêu này. Đầu tiên là cam kết và sự tập trung của người lãnh đạo. Thứ hai là sự trẻ trung, năng động của nhân sự FPT Telecom. Hạt nhân nòng cốt tham gia vào “trận đánh” này đều là các bạn trẻ. Họ sẽ hiểu hơn ai hết nhu cầu và mong muốn sử dụng của những người đồng trang lứa với mình, cũng là những người đam mê eSports. Chúng tôi sẵn sàng trao quyền cho các bạn trẻ để họ chủ động đưa ra những yêu cầu, đề xuất. Và các bộ phận khác trong công ty, từ kỹ thuật cho tới kinh doanh sẽ đều hỗ trợ họ đạt được mục tiêu đề ra. Điều quan trọng thứ ba là truyền thống và kỷ luật của người FPT Telecom: một khi đã đặt mục tiêu và chiến lược, từ trên xuống dưới sẽ nhất quán để đạt được. Thực tế, sau chưa đầy nửa năm triển khai, thông qua các sự kiện eSports cũng như kênh chăm sóc khách hàng, các phản hồi đều tích cực, giúp chúng tôi tự tin vào hướng đi của mình.

* Những bước đi tiếp theo của FPT Telecom là gì?

- Chúng tôi đã có hai năm nghiên cứu, một năm chuẩn bị rất chi tiết, sắp tới đây sẽ “vào trận”. Sau những thử nghiệm ban đầu với các sự kiện trong 4 - 5 tháng qua, tới tháng 9, 10, 11 tới đây sẽ là hàng loạt sự kiện mà FPT Telecom cùng VIRESA và các đơn vị khác tổ chức. Sự kiện gần nhất sẽ là giải Mobile Legend Bang Bang quy mô toàn quốc tại Việt Nam. FPT Play cũng sẽ có kênh riêng về eSports, đồng thời tổ chức các hoạt động kết nối cộng đồng game thủ, người hâm mộ.

Khi nghiên cứu sâu về eSports, chúng tôi nhìn nhận hạ tầng chỉ là phần nền tảng. Với lợi thế của mình, FPT Telecom mong muốn đóng vai trò kết nối trong hệ sinh thái eSports để cùng các đối tác trở nên mạnh hơn, đem lại các giá trị cho từng đối tác và đặc biệt là cho eSports Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng có những kế hoạch kết nối cùng các đơn vị khác để đưa ra gói dịch vụ trọn bộ cho khách hàng. Xa hơn nữa, eSports có thể được đưa vào thành môn đào tạo chính thức tại hệ thống giáo dục FPT Telecom. Khi đó, người dùng dịch vụ internet của FPT Telecom cũng sẽ được hưởng các giá trị nâng cao là tham gia các khóa đào tạo như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.