Chuyện của hòn đảo
Nhiếp ảnh gia từng đoạt giải ảnh báo chí thế giới Fulvio Bugani (Ý) mỉm cười trước tấm hình mình chụp những người đàn ông đứng tuổi ngồi chơi bài quanh bàn tại Sicily.
Đó là khoảnh khắc về đời sống đang trôi đi vừa buồn, vừa thong dong. "Không có một người phụ nữ nào quanh bàn. Chỉ có đàn ông, và đàn ông lớn tuổi. Không có nghĩa là Sicily không có người trẻ, vẫn còn trẻ con thanh thiếu niên đang tuổi đi học. Nhưng lứa 20 - 40, lứa mang nhiều năng lượng thì đều đã rời đảo đi tìm công việc ở nước ngoài, cuộc sống ở nơi khác rồi. Đó là những người già đang trải qua, tận hưởng cảm giác cô đơn", nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani nói.
Tác phẩm này đang được trưng bày tại triển lãm cá nhân của Fulvio Bugani có tên Sicily, ở Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ nay đến hết tháng 8, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ý - Việt Nam (1973 - 2023).
Ông Fulvio Bugani cho biết, Sicily là một dự án ảnh cá nhân. Ý tưởng chụp bộ ảnh này đến khi Fulvio Bugani theo đuổi việc chụp ảnh ở vùng đất mới Cuba. "Cuba và Sicily trông có vẻ khác nhưng bản chất hai hòn đảo đó lại giống nhau. Chúng đều như một ốc đảo, lưu giữ ở đó màu sắc của quá khứ, cũng là nơi con người sống rất thành thật với mình. Vì thế, sau dự án ảnh ở Cuba, tôi quyết định trở lại chụp Sicily, một hòn đảo mang tới cho tôi nhiều cảm xúc, thậm chí cảm xúc mạnh mẽ như đang đối diện một phép màu", Fulvio Bugani nói.
Tay máy chọn cách chụp Sicily với nhiều ảnh đơn, chứ không phải là phóng sự ảnh mà một phóng viên ảnh như anh từng chụp. Quá trình thực hiện bộ ảnh cứ liên tục kéo anh trở lại với hoài niệm về chuyến ra nước ngoài đầu tiên hồi 16 tuổi.
"Khi đó, tôi sang Argentina, trong một chuyến giao lưu thanh niên hai nước. Ấn tượng nhất với tôi là việc gặp người Ý nhập cư sinh sống ở đó sau thế chiến. Những người Ý đó ôm lấy tôi khóc liên tục. Tôi cũng phát hiện ra nỗi buồn, sự cô đơn, vẻ đẹp, sự im lặng, hoài niệm của người nhập cư có sức ảnh hưởng thế nào với mình. Tôi cảm nhận được cảm giác đó ngay khi quay lại Sicily. Ở đây, người trẻ đi nơi khác làm ăn nhiều đến mức hòn đảo chỉ hầu như còn người già cô đơn lại", ông Fulvio Bugani nói.
Nhưng Sicily cũng cho Fulvio Bugani trải nghiệm về lòng tốt vô bờ. "Nghĩ đến Sicily người ta nghĩ đấy là hòn đảo tội phạm. Tôi phát hiện ra rằng người dân ở đó biết người dân trên thế giới nghĩ họ là người xấu. Vì thế, khi có ai tới chơi, họ sẽ tốt hơn bình thường gấp 3 lần để chứng minh điều đó không có thật", Fulvio Bugani nhớ lại.
Chụp cảm xúc, chụp Việt Nam
Fulvio Bugani cho biết, từ khi còn trẻ đã ước mơ trở thành phóng viên chiến trường, được đi lại khắp thế giới. Nhưng khi làm phóng viên chiến trường một thời gian, anh lại thấy mình yêu những chủ đề đời sống đương đại hơn.
Việc trở lại với những đề tài đời sống cho anh cơ hội khám phá cảm xúc của chính bản thân mình khi chụp ảnh. Năm 2016, vị đại sứ của hãng Leica này được giải ảnh báo chí thế giới World Press photo cho chủ đề đương đại với bộ ảnh chụp nhóm người chuyển giới Hồi giáo ở Indonesia.
"Dịch chuyển các tác phẩm về với chủ đề đương đại hơn, tôi cũng thoải mái chia sẻ góc nhìn cá nhân hơn", Fulvio Bugani nói.
Fulvio Bugani đã sang Việt Nam nhiều lần, chụp ảnh từ Nha Trang đến đồng bằng sông Cửu Long. Miền núi phía bắc cũng rất hấp dẫn anh. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia này cho biết: "Chủ đề tôi quan tâm ở Việt Nam cũng nằm trong một dự án ảnh cá nhân. Đó là dự án về một cộng đồng queer, một cộng đồng giới tính không nhận mình là nam hay nữ mà nhận mình là như một người". Bên cạnh đó, Fulvio Bugani cũng chụp ảnh đường phố Việt Nam.
Fulvio Bugani cho biết, có 3 chủ đề xuyên suốt trong ảnh của anh. Một là ảnh chụp các nhóm thiểu số, hai là sự tự do, ba là quyền biểu đạt sự tự do đó.
Trong hành trình chụp ảnh, anh cũng quan tâm đến sự chân thật của cảm xúc tác giả. Chính vì thế, anh cũng chụp rất "thật" theo nghĩa hạn chế chỉnh sửa, hậu kỳ. "Khi AI và smart phone ra đời thì các nhiếp ảnh gia dịch chuyển, không chụp cái nhìn thấy nữa mà cái cảm thấy", Fulvio Bugani nói.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.