|
Năm tôi tốt nghiệp ngành sư phạm, là lúc Phan Văn Thái nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Y Huế. Tôi còn nhớ năm đó, gia đình cậu phải bán lứa heo chưa đủ tuổi cho cậu nhập trường. Những năm miệt mài đèn sách, rồi học tiếp cao học, có lẽ cậu ấy đã nhận ra một điều, trong tất cả cái khổ thì cái khổ nhất là thiếu hiểu biết. Đối với nghề thầy thuốc mọi người gọi đùa đó là “nghề nguy hiểm” không được phép mắc sai lầm bởi vì mình sẽ không có cơ hội để sửa chữa nên sự hiểu biết càng cần thiết.
Tôi có dịp gặp lại cậu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ TP.HCM. Năm đó, tôi bị bệnh tuyến giáp. Cầm tờ giấy chuyển viện vào Sài Gòn, tôi chết lặng. Lúc ấy tôi liền nghĩ ngay đến Thái và nhờ sự giúp đỡ. Không nề hà, cậu ấy đã đưa đón tôi đến bệnh viện khám chữa rất tận tình. Cậu hỏi bệnh tôi cặn kẽ tỉ mỉ xen những câu hỏi bình thường trong cuộc sống. Đang hỏi chuyện quê mình làm ăn sinh sống thế nào, cậu đột nhiên hỏi: “Chị hay nóng nảy vô cớ lắm phải không?”, tôi tự ái xịu mặt nghĩ thầm: “Chưa gì cậu ấy đã muốn sửa tính cách của mình”. Đoán được ý nghĩ của tôi, cậu tiếp: “Em hỏi để biết rõ căn nguyên bệnh, vì người bệnh tuyến giáp tính tình nóng nảy lắm”. Ra là thế! Không khám bừa, khám ẩu, cậu căn dặn tôi dừng uống thuốc, tháng sau quay lại khám mới chính xác vì trước đó do lo sợ tôi đã uống thuốc rồi. Tôi được cậu ấy kê đơn cho thuốc, cậu dặn dò tôi kỹ lưỡng, uống thuốc với mức độ tăng dần như thế nào. Sáu tháng trời uống thuốc, cậu ấy luôn điện về thăm hỏi. Tôi quen câu nói tưởng chừng như xã giao của Thái: “Chị có khỏe không?”. Vậy là tôi yên tâm vững dạ và vui sống trở lại. Khi bệnh đã hết, tôi còn đùa: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.
Mọi người ở quê thường không có điều kiện đi xa khám bệnh nên việc có một bác sĩ giỏi ở quê rất cần thiết. Dường như hiểu được điều đó, những lần về quê của cậu cũng nhiều hơn. Áo gấm về làng chỉ với một chuyến xe ôm từ bến xe về nhà, ăn mặc giản dị. Vừa ở bến xe về, dù mệt nhưng vẫn khám bệnh cho mọi người mà không nhận tiền bạc, quà cáp. Bác sĩ về nhà khám bệnh người ta không gọi bác sĩ này, thầy thuốc nọ mà chỉ gọi thân mật bằng chú, bằng em, mày tao thân mật, đôi lúc suồng sã như bản tính người dân xứ này. Sau đó, Thái làm việc ở Khoa Ngoại - Tổng quát Bệnh viện FV, TP.HCM. Năm rồi, đang đọc báo, thấy hình ảnh cậu tham gia kíp mổ cùng Bệnh viện FV, cả nhà tôi reo ầm lên: “Cậu Thái quê mình chứ ai! Cậu được lên báo rồi đấy nhé!”. Lớn lên từ ruộng đồng, cậu bé bán lờ ngày nào để có tiền ăn học vì gia cảnh khó khăn giờ đây đã công thành danh toại, mừng cho Thái.
Vừa rồi, nghe dư luận xôn xao những vụ trái lương tâm của người làm nghề y lại thấy lo lắm. Tôi mong Thái sẽ chọn cho mình con đường đi đúng đắn dù tôi biết rằng mỗi sinh viên y khoa khi tốt nghiệp ra trường, lúc nhận tấm bằng tốt nghiệp đều đọc lời thề y đức. Tôi biết chắc một điều, khi đặt bàn tay trái lên ngực để thề chắc hẳn cậu đang nhớ đến hình ảnh mẹ cậu đã chết oan uổng như thế nào. Và còn biết bao người dân quê dầm mình trong rơm rạ bùn đất, đang vật vã đớn đau với bao căn bệnh hiểm nghèo đang cần cứu chữa. Chắc cậu sẽ nhớ những hạt gạo, củ khoai, tấm bánh, miếng quà thấm đẫm mồ hôi của người thân, bà con làng xóm láng giềng đã nuôi cậu thành người.
Nhằm khuyến khích mọi người tỏ lòng tri ân đến các y, bác sĩ đã chăm sóc và giúp bạn, người thân vượt qua bệnh tật, Bệnh viện FV tổ chức chương trình chia sẻ mang tên “Câu chuyện của bạn” từ 7.10.2013 đến 29.12.2013 với tổng giá trị giải thưởng 47 triệu đồng. Bài viết tham gia bằng tiếng Việt, từ 500 - 1.500 chữ, gửi về website: http://viban.fvhospital.com hoặc email:cauchuyencuaban@fvhospital.com. Thông tin thêm vui lòng truy cập http://viban.fvhospital.com hoặc đường dây nóng: 0949646349. |
Ngô Thị Phúng
Bình luận (0)