G20 bế tắc vì 'xung đột địa chính trị'

01/03/2024 13:34 GMT+7

Chủ nhà Brazil cho biết hội nghị đầu tiên trong năm của quan chức tài chính các nền kinh tế G20 đã kết thúc hôm 29.2 mà không có tuyên bố chung trong bối cảnh các thành viên bị chia rẽ vì 'xung đột địa chính trị'.

"Chúng tôi không thể đi đến một tuyên bố chung... Bế tắc, như thường lệ, xuất phát từ các cuộc xung đột đang diễn ra", Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad nói trong một cuộc họp báo ở Sao Paulo (Brazil), sau hội nghị 2 ngày của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trong nhóm G20 (20 nền kinh tế hàng đầu thế giới).

Ông Haddad không đề cập cụ thể đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay chiến dịch quân sự của Israel chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza, theo AFP.

G20 bế tắc vì 'xung đột địa chính trị'- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad (giữa) tại hội nghị của nhóm G20 hôm 29.2

AFP

Quan chức Brazil cho biết "chúng tôi đã nuôi hy vọng rằng các vấn đề địa chính trị nhạy cảm hơn có thể được tranh luận" giữa các ngoại trưởng của nhóm. Hội nghị ngoại trưởng G20 đã diễn ra ở Rio de Janeiro (Brazil) tuần trước và cũng không đưa ra được một tuyên bố chung vì bất đồng giữa các thành viên.

Ông Haddad cũng tiết lộ rằng G20 - nhóm đại diện cho 80% nền kinh tế toàn cầu - đã đạt được nhất trí về các vấn đề tài chính.

"Nhưng vì hội nghị tuần trước ở Rio de Janeiro không đưa ra được tuyên bố chung, điều đó đã ảnh hưởng đến việc thiết lập sự đồng thuận" tại hội nghị ở Sao Paulo tuần này, dù Brazil đã hy vọng đây chỉ là một cuộc họp chính sách kinh tế thuần túy, theo ông Haddad.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner trước đó cho biết Berlin muốn bất kỳ tuyên bố cuối cùng nào đều phải đề cập đến cuộc chiến đã kéo dài hơn 2 năm ở Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine đã chia rẽ G20, trong đó các nước phương Tây lên án Moscow và cung cấp viện trợ quân sự cũng như tài chính cho Kyiv.

Nga, nước cũng là thành viên G20, trong khi đó đã tranh thủ củng cố quan hệ với các quốc gia như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ.

G20 cũng bị chia rẽ về vấn đề Gaza, với việc Mỹ và các đồng minh phương Tây miễn cưỡng lên án Israel, trong khi các thành viên không phải phương Tây chỉ trích mạnh mẽ quốc gia Do Thái vì khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở đó.

"Chúng tôi không thể hoạt động như bình thường tại G20 khi đang có chiến sự ở Ukraine, lực lượng khủng bố Hamas và tình hình nhân đạo ở Gaza", ông Lindner nói với các nhà báo.

"Chúng tôi phản đối việc tránh né những vấn đề đó. Ngay cả khi chúng tôi là thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính, chúng tôi đại diện cho các giá trị của đất nước mình và phải bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế", ông cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.